Tập vật lý trị liệu ngón tay cò súng là phương pháp điều trị bệnh ngón tay cò súng được khuyến khích áp dụng ở giai đoạn bệnh nhẹ, hoặc cũng có thể là phương pháp điều trị kết hợp trong thời gian điều trị nội khoa (uống thuốc, chích thuốc). Vậy tập vật lý trị liệu ngón tay cò súng được tiến hành như thế nào, mời Quý vị theo dõi nội dung dưới đây.
Ngón tay cò súng là gì?
Hội chứng ngón tay cò súng còn có tên gọi khác là ngón tay bật lò xo – ngón tay lò xo – ngón tay cò súng – có tên tên tiếng Anh là trigger finger. Đây là tình trạng ngón tay bị cứng, ngón tay bị co quắp khi ngủ dậy hoặc khi nắm chặt bàn tay… không thể tự duỗi ngón tay ra được, muốn duỗi ngón tay ra phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Bệnh ngón tay cò súng là một bệnh thường gặp, đặc biệt là ở những người trên 40 tuổi, đặc biệt nữ nhiều hơn nam, thường phổ biến ở những người làm các nghề như thợ may, thợ cơ khí, ca sĩ, người làm việc văn phòng, tài xế,…
Việc điều trị ngón tay cò súng phụ thuộc vào nhiều tình trạng bệnh tật và thời gian bị bệnh, bao gồm: Tránh cầm nắm chặt thường xuyên, ngâm tay vào nước ấm, nẹp ngón tay, tập vật lý trị liệu, uống thuốc kháng viêm giảm đau, chích kháng viêm giảm đau, phẫu thuật. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập tới phương pháp điều trị bệnh ngón tay cò súng bằng vật lý trị liệu, bao gồm: siêu âm, nhúng sáp, tập vận động (vận động thụ động và vận động chủ động).
– Siêu âm
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ sử dụng đầu phát siêu âm tác động lên vùng ngón tay bị cò súng để điều trị dưới tác dụng cơ học, tác dụng nhiệt và tác dụng sinh học.
– Nhúng sáp paraffin
Paraffin là một hỗn hợp có nhiều hydrocarbua từ dầu hỏa, paraffin dùng trong điều trị là loại tinh khiết, trung tính, màu trắng, không độc. Khi sử dụng thường pha thêm một ít dầu paraffin để tăng cường độ dẻo, không bị giòn gẫy.
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ đổ paraffin vào ca hoặc chậu. Lần nhúng đầu tiên, người bệnh sẽ nhúng nhanh tay bị cò vào ca/ chậu có chứa sáp paraffin rồi rút ra ngay, khi đó một lớp paraffin mỏng bám vào da sẽ đông kết ngay. Người bệnh sẽ tiếp tục nhúng 3-4 lần nữa để lớp paraffin phủ ngoài dày lên như một khối, sau đó dùng khăn ủ 20-30 phút.
– Tập vận động
+ Vận động thụ động điều trị ngón cò súng
- Đây là một trong những hình thức được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị bằng vật lý trị liệu.
- Người bệnh đặt ngửa bàn tay, kỹ thuật viên một tay nắm ở xương bàn ngón tay, một tay đặt úp trên đầu đốt xa các ngón. Sau đó thực hiện gập và duỗi các ngón tay từ đốt xa cho đến đốt gần. Đối với ngón cò súng, kỹ thuật viên cầm trực tiếp gốc ngón tay cái có súng để thực hiện.
+ Vận động chủ động điều trị ngón cò súng
- Là hình thức bệnh nhân thực hiện vật lý trị liệu một cách chủ động.
- Gập duỗi ngón tay cò súng được thực hiện khi người bệnh ở tư thế ngửa, khuỷu tay gập, cẳng tay đặt ở vị trí trung tính. Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh 4 ngón tay lành đỡ lấy bàn tay yếu, ngón cãi giữ chặt lòng bàn tay yếu, thực hiện cử động gập – duỗi các ngón tay.
- Riêng với ngón cái, người bệnh lấy ngón cái bên lành để duỗi hoặc gập các ngón bên bị cò súng.
Thực hiện vật lý trị liệu chủ động hay thụ động phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân. Nếu sau liệu trình vật lý trị liệu ngón tay cò súng tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc thuyên giảm không đáng kể thì người bệnh nên được điều trị kết hợp với các biện pháp y khoa như tiêm thuốc, uống kháng sinh. Khi các phương pháp điều trị vật lý trị liệu và nội khoa không đáp ứng, phương pháp phẫu thuật sẽ được xem xét. Phẫu thuật ngón tay cò súng là một phẫu thuật đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ, thời gian tiến hành phẫu thuật khoảng 30 phút. Sau phẫu thuật, người bệnh không cần nằm viện, có thể về nhà ngay.
Nếu bạn có các thắc mắc cần giải đáp về bệnh ngón tay cò súng, bạn đừng ngần ngại gọi điện tới số Tổng đài tư vấn của Phòng khám đa khoa – Công ty TNHH Bệnh Viện Thánh Mẫu để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể: (028)38652225