Tôi bị đau lưng gần 1 năm nay, điều trị rất nhiều loại thuốc đến nay vẫn chưa khỏi. Tôi rất đau ở vùng thắt lưng dưới, ngồi nhiều cảm giác như xương dồn xuống, và chỗ đau do cứng cơ, thi thoảng đau cả lên giữa lưng, có khi đau còn cảm giác tức ngực và đầy bụng khó chịu. Vừa qua tôi có đi chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chẩn đoán tôi bị thoái hóa đốt sống L5 S1. Mong bác sĩ tư vấn và điều trị giúp tôi để tôi không phải chịu những cơn đau như hiện tại nữa. Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Theo chiều ngang, cột sống (CS) cấu tạo bởi nhiều đốt, chia thành nhiều khoanh. Cột sống gồm 30 đốt: 7 đốt sống cổ (ký hiệu C1 – C7), 12 đốt sống lưng (D1 – D12), 5 đốt sống thắt lưng (L1 – L5), 5 đốt sống cùng (S1 – S5), 1 đốt sống cụt. Trong CS có tủy sống, các rễ thần kinh từ tủy ra (chi phối hoạt động chi trên, dưới) và động mạch thân nền.
Trường hợp của bạn đã đi khám và được chẩn đoán là thoái hóa đốt sống L5 S1. Thông thường, bệnh xuất hiện ở người có tuổi từ 35, 40 trở lên.
Nguyên nhân:
– Ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng.
– Làm việc, lao động nặng quá sớm và quá sức. Thường xuyên mang, vác, đẩy, kéo các vật nặng không đúng tư thế.
– Tập luyện thể dục, thể thao không hợp lý.
– Ngồi quá nhiều hoặc luôn luôn làm việc ở một tư thế ít thay đổi.
– Trọng lượng quá mức cho phép khiến cột sống luôn phải gắng đỡ cơ thể.
Thông thường, bệnh xuất hiện ở người có tuổi từ 35, 40 trở lên. Tỷ lệ bị thoái hoá cột sống ở nam và nữ là gần như nhau mặc dù nguyên nhân là tương đối khác nhau ở hai giới. Nếu như ở nam giới phần lớn là do lao động nặng, chơi thể thao quá độ, thì nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai và sinh nở mà không được bù đắp kịp thời và đầy đủ.
Biểu hiện của thoái hoá cột sống:
– Biểu hiện rõ rệt nhất là những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, cảm giác khó chịu, bức bối trong cơ thể, dáng đi không bình thường, vẹo vọ hoặc lưng còng xuống… Nếu gặp phải những hiện tượng như vậy, có thể bạn đã bị thoái hoá cột sống.
– Nếu như đau lưng do bị thận hoặc một số bệnh khác thường diễn ra theo cơn, dữ dội, thì đau lưng do thoái hoá cột sống lại thường âm ỉ, rả rích ngày này qua tháng khác. Đau chủ yếu ở vùng thắt lưng và cổ, gáy. Cảm giác khó chịu kèm theo khiến bạn mất ăn, mất ngủ, gầy rộc đi, sức làm việc giảm sút và ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của cả mọi người xung quanh.
– Đôi khi có những cơn đau cấp tính khiến bạn cảm thấy nhói buốt, đau cả sang những vùng khác như vai, thần kinh toạ, đau hông và đùi đến mức không thể đi lại lâu được.
Khống chế những cơn đau lưng và khó chịu do thoái hoá cột sống bằng cách nào?
– Có nhiều phương pháp được sử dụng hiện nay tại các bệnh viện là: Dùng thuốc, thuỷ châm, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu v.v… Tất cả các phương pháp này đều phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định thực hiện.
– Khi ở nhà, nếu bị đau lưng, bạn nên lập tức nằm nghỉ, thư giãn. Nhưng cũng không được nằm quá lâu khiến máu khó lưu thông, tăng cảm giác mệt mỏi. Chỉ cần cảm thấy đỡ đau là bạn đã phải đi lại đôi chút. Nói chung, người bị thoái hoá cột sống không nên ngồi một chỗ mà nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải.
– Chườm nóng và xoa bóp được coi là biện pháp hữu hiệu tức thời. Tuy nhiên, có một sai lầm lớn là khi bị đau lưng, ta thường bóp dầu nóng, mật gấu và rượu. Làm như vậy sẽ khiến vùng bị đau có phản ứng co cơ, khiến cơn đau càng trầm trọng hơn.
– Khi đã cảm thấy khá hơn, bạn hãy bơi lội một chút. Theo các bác sĩ thì bơi lội chính là môn thể thao thích hợp nhất để chữa đau lưng, đặc biệt với các cơn đau cấp thì việc bơi trong bể nước ấm sẽ rất có hiệu quả.
– Khi đã từng bị đau lưng do thoái hoá cột sống một lần thì nên giữ gìn, không để tái phát. Vì nếu những cơn đau lặp đi lặp lại sẽ càng ngày càng nặng hơn. Đến một lúc nào đó, bạn chỉ cần đi, đứng, sinh hoạt trong tư thế hơi khác thường là đã bị đau lưng buốt nhói dữ dội.
Bạn có thể điều trị theo tây y két hợp với điều trị bằng Vật lý trị liệu để đạt được kết quả tốt nhất. Việc điều trị cần kiên trì theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguồn: TH