Nhiều người tự nhiên bị khàn tiếng, mất giọng. Đôi khi đó chỉ là một bệnh lý lành tính, nhưng đôi khi đó cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý ác tính.
Ông Q. là một nhà thơ, một MC duyên dáng của TP.HCM, sau một loạt hoạt động nghề nghiệp bỗng thấy giọng mình khàn khàn và rát sâu trong cổ họng. Việc giao tiếp, trao đổi công việc của ông trở nên rất khó khăn. Ông đi khám và được bác sĩ điều trị bằng thuốc nhưng bệnh vẫn không khỏi. Đến giờ ông vẫn không lấy lại được chất giọng trong trẻo vốn có của mình.
Tương tự, ông Ng., giáo viên một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TP.HCM, thấy tiếng của mình bị khàn và một thời gian sau thì nói không thành tiếng. Ông Ng. đi khám bệnh, cứ tưởng sẽ kê toa mua thuốc rồi về nhà, không ngờ bác sĩ đưa ra hàng loạt yêu cầu xét nghiệm và sau đó yêu cầu phải nhập viện để điều trị. Cả nhà ông phát hoảng. Khàn tiếng chuyện nhỏ, có gì mà ghê gớm vậy?
Có thể là rối loạn thông thường…
ThS-BS Võ Công Minh, khoa Tai mũi họng, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Khàn tiếng là từ thường dùng để chỉ tình trạng yếu hoặc rối loạn giọng nói. Khàn tiếng có thể là triệu chứng của những bệnh lý lành tính như viêm sung huyết, phù nề hai dây thanh âm…
Khàn tiếng cấp tính thường hay gặp ở những người thường xuyên phải nói nhiều, nói lớn, nói liên tục như người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng, cả các cổ động viên… Do những người này sử dụng dây thanh âm quá nhiều gây nên hiện tượng chấn thương, phù nề, sung huyết dây thanh âm. Trường hợp này người bệnh nên hạn chế nói và tránh hít phải khói thuốc, bụi đường và các tác nhân gây dị ứng.
Những trường hợp bệnh nhân bị khàn tiếng do viêm dây thanh âm, viêm đường hô hấp (thông thường do virus) thường tự khỏi trong một đến hai tuần nếu giảm việc nói chuyện và điều trị phù hợp.
Ngoài ra, phải kể đến những trường hợp khàn tiếng chức năng như rối loạn giọng nói chức năng, rung dây thanh, căng cơ thanh quản… Đối với những trường hợp này, người bệnh cần được nghỉ ngơi, giảm stress và điều trị luyện giọng chuyên biệt.
Triệu chứng bệnh lý ác tính
Cũng theo ThS-BS Võ Công Minh, khàn tiếng có thể là triệu chứng bệnh lý ác tính như ung thư thanh quản, ung thư di căn đầu cổ… Khàn tiếng cũng gặp ở những bệnh nhân có những bệnh lý khác như lao, Parkinson’s, tai biến mạch máu não, trào ngược dạ dày… hoặc do chấn thương thanh quản và dây thanh âm… Đối với những trường hợp này bệnh nhân cần được chỉ định điều trị ngay hoặc phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Nếu hiện tượng khàn tiếng kéo dài trên ba tuần kèm với hiện tượng khó thở, tiếng thở rít thì người bệnh có khả năng bị ung thư thanh quản. Những người lớn tuổi, hút thuốc lá, ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ dễ bị ung thư thanh quản. Theo một nghiên cứu tại BV Tai mũi họng trung ương, ung thư thanh quản chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Chủ yếu hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, hay gặp ở độ tuổi từ 50 đến 70 (72%).
Thanh quản có vai trò quan trọng trong việc thở, nuốt và nói, một khi bị ung thư, các chức năng này sẽ bị ảnh hưởng. Biểu hiện của ung thư thanh quản thường là có khối u ở cổ, nói khàn hoặc thay đổi giọng nói, đau họng hay có cảm giác nghẹn cổ họng, ho kéo dài, khó thở, đau tai, sút cân, kém ăn… Ung thư thanh quản được phát hiện sớm sẽ được điều trị bằng cách xạ trị hoặc phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Cách phẫu thuật chủ yếu dựa vào kích thước và vị trí khối u mà thực hiện: Cắt toàn bộ thanh quản, cắt một phần thanh quản, cắt thanh quản trên thanh môn, đôi khi phẫu thuật phải cắt bỏ cả những khối hạch vùng cổ, gọi là nạo vét hạch. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ cả tuyến giáp. Thông thường những bệnh nhân sau khi được điều trị ung thư thanh quản có khoảng 70% khả năng sống trên năm năm và 30% sống trên 10 năm.
Bệnh nhân bị ung thư thanh quản giai đoạn cuối, khối u trong thanh quản quá lớn nên các bác sĩ không thể can thiệp mà chỉ có thể ngăn chặn để tế bào ung thư không phát triển sang các vùng khác. Một khi khối u quá lớn sẽ gây bít đường thở hoặc vỡ khối u thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Để ngăn ngừa khàn tiếng
Ngăn ngừa các tình huống phải dùng dây thanh quá độ ví dụ như khi cần nói to, bạn cần dùng microphone. Các đối tượng như chuyên gia giọng nói hay giáo viên thanh nhạc được huấn luyện để giúp đỡ các học viên thanh nhạc trong quá trình luyện giọng tránh gây tổn thương dây thanh âm quá độ.
Tránh dùng các loại thức uống kích thích như rượu, bia hay cà phê. Những người nghiện thuốc lá nên bỏ hút thuốc. Nên uống nhiều nước, dùng máy giữ ẩm không khí để tạo độ ẩm trong phòng, đặc biệt là phòng máy lạnh.
Tránh dùng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nóng, chua, cay. Khi đã khàn tiếng nhẹ, bệnh nhân nên hạn chế nói chuyện lớn tiếng hay nói kéo dài. Nếu như bị khàn tiếng kéo dài trên ba tuần, mọi người cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.
Những nơi điều trị bệnh ung thư thanh quản: BV Ung bướu, BV Chợ Rẫy, BV Tai mũi họng TP.HCM, khoa Tai mũi họng BV ĐH Y Dược TP.HCM.
Nguồn: HUYỀN VI (plo.vn)