TP.HCM 500-600 ca sốt xuất huyết/tuần, đã có ca tử vong: Lưu ý trẻ lớn

cac not xuat huyet benh sot xuat huyet
Các nốt ban đỏ nổi trên da, dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: BVCC

Tại TP.HCM vừa có ca tử vong do sốt xuất huyết (trước đó cũng có 2 ca tử vong tại Hà Nội) khiến nhiều người lo ngại, đặc biệt học sinh đang vào mùa tựu trường, ở bán trú.

cac not xuat huyet benh sot xuat huyet
Các nốt ban đỏ nổi trên da, dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết – Ảnh: BVCC

ThS Lê Hồng Nga, trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay tại TP.HCM mỗi tuần có 500-600 ca sốt xuất huyết.

So với cùng thời điểm năm trước, năm nay số ca sốt xuất huyết tăng có chậm hơn, giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.

Dự báo đỉnh dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay sẽ xuất hiện trễ hơn so với những năm trước đó, đồng thời dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa.

Tử vong vì đến viện trễ

Về bệnh nhân nữ 16 tuổi (ngụ quận 7, TP.HCM) tử vong vì sốt xuất huyết, BS Hồng Nga cho hay bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào ngày thứ 6 của bệnh, khi đã ở trong tình trạng nặng. Sau đó, khả năng không thể cứu sống nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM), ThS Nguyễn Trần Nam – trưởng khoa nhiễm bệnh viện này – cho biết đơn vị đang điều trị khoảng 15-20 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca bệnh nặng đến rất nặng, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. So với những tuần trước, số ca mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đang tăng, dự kiến còn tăng mạnh trong những ngày tới.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), TS Nguyễn Minh Tuấn – trưởng khoa sốt xuất huyết bệnh viện này – cho hay thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết từ nhẹ đến có biến chứng nặng.

BS Nam nhận định do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều người dân e ngại khi đến các cơ sở y tế nên dẫn đến số ca sốt xuất huyết điều trị nội trú tại bệnh viện giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nước ta đã ghi nhận một số trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong vì điều trị tại nhà. Bất cứ ai có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời” – BS Nam nói.

Cảnh báo tăng tiếp

Theo báo cáo của HCDC, trong 8 tháng đầu năm 2020, TP đã có 11.999 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Riêng trong tháng 8 vừa qua đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nữ tử vong vì sốt xuất huyết ở TP.HCM.

Dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. Bên cạnh việc phòng bệnh thì việc phát hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng.

HCDC khuyến cáo khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ; nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Đừng lo COVID-19 mà ngại đến bệnh viện

Sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác đó là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5-7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi, điều trị cho phù hợp.

Không nên vì COVID-19 mà ngại tới cơ sở y tế khám bệnh, vì hiện các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường, bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.

Ngoài bệnh COVID-19, hiện còn nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… mà nếu diễn biến bệnh nặng, điều trị trễ đều có thể gây tử vong.

Theo BS Hồng Nga, hiện nay trường học, bệnh viện, ký túc xá… đều được coi là những điểm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước, hoạt động khử khuẩn, phun xịt muỗi tại tất cả các trường để chuẩn bị năm học mới là hoạt động thường quy của ngành giáo dục và ngành y tế.

Các trường học đều có những hoạt động diệt muỗi, lăng quăng hằng tuần. Tùy vào diễn biến của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ kiểm tra tại các trường từ 1-3 tháng/ lần.

Hiện TP.HCM đang và sẽ giám sát các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết ở các điểm nguy cơ, trong đó có trường học, bệnh viện…, nếu đơn vị nào làm chưa tốt, vẫn còn muỗi, lăng quăng, TP sẽ tiến hành xử phạt những đơn vị này.

BS Hồng Nga cũng khuyến cáo mỗi gia đình tuân thủ dọn dẹp vệ sinh nơi ở, diệt muỗi, diệt lăng quăng tại chính gia đình mình.

Nguồn: THÙY DƯƠNG – XUÂN MAI (Báo Tuổi Trẻ Online)

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *