Theo y học cổ truyền, bí đao có vị ngọt, tính mát và nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu dùng không đúng cách, loại thực phẩm này cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn… là một loại quả dùng như rau tươi và làm mứt rất thông dụng. Trong thành phần của bí đao phần lớn là nước, không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C…
Mặc dù bí xanh có nhiều tính năng và công dụng đối với sức khỏe nhưng chúng ta phải biết cách sử dụng và ăn bí đao như thế nào cho đúng cách, nếu không sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
1. Tuyệt đối không ăn sống
Bí đao sống có tính xà phòng rất cao, ngày xưa ở các làng dệt vải người ta thường lợi dụng tính chất này của bí đao dùng nước bí đao sống để tẩy trắng vải thay cho thuốc tẩy. Vì thế nếu bạn ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao sống được xay như sinh tố để mong làm đẹp thì không nên vì tính chất xà phòng của bí đao sống sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa của bạn.
Tuy nhiên bí đao khi được nấu với rượu làm cao bí đao hoặc được đun chín kỹ thì tính xà phòng gần như mất hết nên thường xuyên ăn bí đao nấu kỹ hay uống nước bí đao luộc thì được.
2. Người bị huyết áp thấp nên cẩn trọng
Theo VTC, những người bị huyết áp thấp không nên giảm cân bằng bí đao vì trong thành phần của bí đao rất ít calo nên sẽ làm hạ huyết áp.
Ngoài ra, những người có cơ địa lạnh cũng nên dùng liều lượng dần dần ít một rồi tăng dần để cơ thể dễ thích nghi. Những trường hợp tì vị hư hàn, hay bị chướng bụng, tiêu chảy không nên dùng nhiều.
Bí đao tốt nhất chỉ nên ăn 1 bữa/tuần, không nên ăn liên tục trong nhiều ngày.
Nguồn: TH