Cùng với sự ô nhiễm không khí, lượng khí CO2 trong khí quyển tăng vọt và tác động đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách. Một trong những tác động của sự ô nhiễm này là làm giảm sút khả năng suy nghĩ của chúng ta, khiến trí tuệ và sự tập trung của chúng ta ngày càng sa sút.
Các căn bệnh liên quan đến nhiệt ngày càng trở nên phổ biến hơn và phạm vi truyền nhiễm đang mở rộng đặt chúng ta vào một tình thế nguy hại. Nhiệt độ ấm lên thậm chí còn thúc đẩy sự hình thành của khói bụi dẫn đến gây không khí bị ô nhiễm nặng nề hơn.
Tuy nhiên, những ví dụ trên chỉ là các tác động gián tiếp của khí CO2, nó làm ấm bầu khí quyển sau đó tạo ra những đợt khí nóng tác động đến bề mặt Trái Đất. Một nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ 2019 chứng minh rằng có lẽ khí CO2 nên được coi là một chất gây ô nhiễm, có khả năng làm giảm sút khả năng suy nghĩ của chúng ta.
Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ khí CO2 cao trong nhà và sự suy giảm nhận thức của con người. Khi ở trong nhà, nồng độ khí CO2 sẽ tăng cao, đặc biệt là khi có rất nhiều người thở và hệ thống thông gió hoạt động chậm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các lớp học có lỗ thông hơi kém sẽ khiến học sinh bị giảm trí, mất tập trung, thậm chí là kiểm tra điểm thấp hơn tiêu chuẩn. Vào năm 2016, một nghiên cứu của trường đại học Harvard đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ CO2 tăng cao đến 950 ppm (viết tắt của part per million – là đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích của một chất trong một hỗn hợp có chứa chất đó, tính theo phần triệu) dẫn đến việc giảm nhận thức ở con người. Với nồng độ ở mức 1.400 ppm (có thể xảy ra trong các phòng thông gió kém), những khả năng đó còn giảm xuống nhiều hơn nữa.
Nghiên cứu đó đã không đề cập đến vấn để biến đổi khí hậu, nhưng nghiên cứu mới này thì lại khác. Tác giả chính của nghiên cứu là Kris Karnauskas – nhà khoa học khí hậu tại Đại học Colorado, nói: “Là một nhà khoa học khí hậu, tôi đã xem qua nghiên cứu của Harvard và nghĩ rằng ‘thực ra nồng độ CO2 mà chúng ta lo ngại đều liên quan tới biến đổi khí hậu. Vì vậy, ngay cả khi không biết, họ thực sự đã làm một nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu”.
Hiện nay, nồng độ CO2 trong khí quyển là khoảng 410 ppm – mức độ mà chúng ta chưa từng có trong lịch sử loài người. Nếu chúng ta không giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch thì con số đó có thể tăng hơn gấp đôi vào cuối thế kỷ đến mức là 930 ppm, dựa trên các dự báo phát thải của Hội đồng quốc tế về biến đổi khí hậu.
Để hiểu rõ điều này có ý nghĩa gì đối với không khí trong nhà và ảnh hưởng của nó đối với bộ não của chúng ta, Karnauskas và nhóm của ông đã sử dụng một phương trình dự đoán lượng CO2 trong nhà sẽ có mối quan hệ nào với lượng khí ở ngoài. Đối với một nồng độ ngoài trời nhất định, nghiên cứu sẽ đo tốc độ mà mọi người thở ra CO2 và tốc độ thông gió và sau đó ước tính lượng CO2 trong nhà là bao nhiêu. Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các giá trị ước tính hô hấp của học sinh tiểu học và số lượng lỗ thông hơi của một lớp học thông thường.
Theo ước tính này, nồng độ CO2 trong nhà hiện là 809 ppm. Nếu chúng ta không làm giảm lượng khí thải, dẫn đến nồng độ CO2 bên ngoài là 930 ppm, thì nồng độ trong nhà sẽ tăng lên đến 1,250 ppm.
Sử dụng kết quả của nghiên cứu Harvard, Karnauskas ước tính mức tăng của khí CO2 sẽ tương đương với sự giảm sút về nhận thức. Mặc dù, với lượng khí thải thấp thì khí CO2 trong nhà hầu như không ảnh hưởng đến trí tuệ của chúng ta. Nhưng mọi thứ có vẻ tồi tệ hơn nhiều đối với trường hợp phát thải cao. Đến năm 2100, sinh viên học trong trường sẽ thấy khả năng làm các bài kiểm tra cơ bản giảm 25% và khoảng 50% cho những bài phức tạp. Nói cách khác, khả năng giải một câu đố phức tạp của bạn sẽ giảm đi một nửa vào năm 2100.
Trong nghiên cứu của Harvard, khả năng thực hiện các nhiệm vụ nhận thức phức tạp của con người giảm xuống gần 0% khi nồng độ đạt 1.500 ppm. “Vì vậy, những người này hầu như không thể thực hiện được tất cả các nhiệm vụ phức tạp, điều đó thật đáng sợ bởi vì đó là những gì chúng ta sẽ phải đối mặt”, Karnauskas nói.
“Đây là một bài báo rất thú vị và cũng là một chu kỳ mà chúng tôi đã nghĩ đến”, đó là lời của Piers MacNaughton, đồng tác giả của nghiên cứu Harvard. Ông nói thêm rằng trong khi ông đồng ý với Karnauskas rằng việc giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch là giải pháp tốt nhất thì công nghệ thông gió cũng cần phải được cải thiện. Các hệ thống thông minh điều chỉnh thông gió dựa trên mức độ CO2 không chỉ giúp mang lại không khí trong lành cần thiết mà còn tiết kiệm năng lượng khi có ít người hơn trong phòng”, MacNaughton cho biết.
Các cơ chế đằng sau sự suy giảm nhận thức này vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tác động CO2 khiến não khó hấp thụ oxy hơn. Nồng độ CO2 cao cũng có thể làm giảm độ pH của máu, dẫn đến một số triệu chứng bao gồm nhầm lẫn.