Nhiều bệnh nhân miêu tả, tự nhiên cảm thấy bị đau ngón tay khi cử động hoặc là bị kẹt ngón tay không duỗi ra được, khi cố gắng duỗi thẳng ngón tay thì trước khi duỗi thẳng sẽ cảm giác nghe tiếng “bật”. Y khoa gọi đó là tình trạng ngón tay bật, hay còn gọi là bệnh “Ngón tay cò súng”.
Thông thường, “Ngón tay cò súng” diễn ra đối với những ngón tay hay vận động, chẳng hạn như ngón cái, ngón trỏ, có thể xuất hiện cùng một lúc nhiều ngón tay. Thường hay gặp ở ngón một và ba của bàn tay. Cũng như đa số bệnh về cơ xương khớp khác, phụ nữ trên 40 tuổi thường chiếm số đông trong các ca mắc bệnh “Ngón tay cò súng”.
Nguyên nhân và triệu chứng
Có thể hiểu như sau: Bình thường các gân gập ngón tay sẽ chạy qua các “ròng rọc” ở khớp bàn ngón tay. Chức năng các ròng rọc này là giúp lực gập ngón tay mạnh hơn, giúp giữ sợi gân chạy sát với xương mà không bị bung ra dưới da khi gập ngón tay. Ở một số trường hợp người ta thấy ròng rọc này bị hẹp lại có thể vì viêm hay những lý do khác, gân có thể dày lên tạo thành nốt. Nốt này chui qua ròng rọc được (tức là co ngón tay được) nhưng chui ngược trở lại thì bị kẹt (tức là khi duỗi ngón tay ra). Cứ mỗi lần như vậy gân này có thể bị phù nề sưng tấy thêm, điều đó làm cho bệnh càng nặng hơn.
Triệu chứng đáng chú ý là khi bệnh nhân bị sưng, đau các khớp liên đốt gần ngón tay (ở vị trí lóng tay đầu tiên, gần với bàn tay).
Khi nào thì điều trị bảo tồn hay can thiệp sâu?
Với những trường hợp vừa mới mắc bệnh, bác sĩ thường áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn như cho uống thuốc kháng viêm, giảm đau… hoặc kết hợp giữa thuốc và dùng nẹp cố định tại vị trí bị viêm. Các loại thuốc kháng viêm có thành phần chứa Corticoid thường được sử dụng nhằm mục đích giảm viêm, giúp gân bớt phù nề để có thể di chuyển dễ dàng hơn. Nếu được điều trị sớm, các triệu chứng này thì sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Với trường hợp bị nặng hơn thì cần dùng biện pháp chích Corticoid trực tiếp vào khu vực bị đau (loại thuốc này có tác dụng kháng viêm rất tốt, tuy nhiên ở giai đoạn đầu khi vừa mới chích sẽ gây cảm giác đau tại vết chích)
Phẩu thuật là giải pháp được chon cho các trường hợp tái đi tái lại. Bác sĩ sẽ rạch 1 đường nhỏ, và dùng thủ thuật cắt để mở rộng khu vực “ròng rọc A1” nhằm giải phóng vị trí nốt chặn, tạo điều kiện cho gân di chuyển thuận tiện hơn. Thao tác này thường là điều trị dứt điểm và không gây tái phát. Tuy nhiên, nếu cắt không hết thì sẽ gây tái phát. Ngoài ra, có một số ít trường hợp khi tiến hành phẩu thuật sẽ gây tổn thương đến các sợi thần kinh cảm giác, gây hậu quả khiến bệnh nhân cảm thấy tê ở bàn tay hoặc mất cảm giác khi sờ nắn trong thời gian dài.
Biện pháp phòng tránh
Đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp bao gân dẫn đến ngón tay cò súng, có nhiều trường hợp bệnh tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh tăng nặng, gây đau đớn và làm cản trở trong sinh hoạt hàng ngày cho bệnh nhân. Cách tốt nhất để phòng bệnh vẫn là thường xuyên tập thể dục, co duỗi các khớp ngón tay, tránh tiếp xúc bàn tay lâu trong môi trường nhiệt độ thấp, tránh bị viêm khớp dạng thấp vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh ngón tay cò súng. Khi có triệu chứng bệnh, nên đến bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định điều trị thích hợp.
Để được bác sĩ tư vấn MIỄN PHÍ về bệnh ngón tay cò súng, bạn hãy liên hệ tới số điện thoại Tổng đài của công ty TNHH Bệnh Viện Thánh Mẫu: (028) 3865.2225 (bấm số 0 – gặp bác sĩ CKI Lý Na Rương) để được các bác sĩ tư vấn cụ thể hơn.
Nguồn: ĐÀI TIẾNG NÓI NHÂN DÂN TPHCM