Mũi và họng là cửa ngõ chính để COVID-19 xâm nhập cơ thể. Vậy mũi hay họng chứa nhiều virus hơn ở bệnh nhân nhiễm COVID-19?
Mũi chứa nhiều virus COVID-19 hơn
Một nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine vào ngày 19-3-2020 đề cập về tải lượng virus ở đường hô hấp của bệnh nhân nhiễm COVID-19 (tải lượng virus là số lượng các mảnh hoặc các thành phần của virus chứa trong một đơn vị thể tích).
Trong nghiên cứu này, 17 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng được lấy mẫu cùng lúc ở cả mũi và họng. Mẫu bệnh phẩm ở mũi được lấy ở vị trí cuốn mũi giữa hay vòm mũi họng. Kết quả cho thấy tải lượng virus cao được phát hiện sớm ngay sau khi xuất hiện triệu chứng, và tải lượng ở mũi cao hơn ở họng.
Kết quả này cũng tương tự ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, cho thấy khả năng gây lây lan virus ở nhóm bệnh nhân này.
Tế bào niêm mạc mũi có khả năng là nơi lây nhiễm đầu tiên của COVID-19
Trong một nghiên cứu khác đăng trên tờ Nature Medicine vào ngày 23-4-2020, các nhà khoa học nhận thấy 2 loại tế bào niêm mạc mũi có khả năng là nơi nhiễm đầu tiên của COVID-19, đó là tế bào đài (tế bào tiết nhầy) và tế bào trụ có lông chuyển.
Theo nghiên cứu này, hai loại tế bào niêm mạc mũi kể trên chứa nhiều nhất biểu hiện gene của ACE2 và TMPRSS2, là 2 protein giúp virus xâm nhập vào tế bào để gây bệnh. Hai loại protein này trước kia được tìm thấy nhiều ở tế bào biểu mô phế nang loại II của phổi.
Cũng trong nghiên cứu này, ACE2 và TMPRSS2 còn được tìm thấy ở tế bào giác mạc và niêm mạc ruột, gợi ý khả năng lây lan qua mắt, hay đường tiêu hóa.
Như vậy 2 loại tế bào niêm mạc mũi là tế bào đài và tế bào trụ có lông chuyển có thể được xem là những tế bào đầu tiên nhiễm virus COVID-19 khi nó xâm nhập vào cơ thể người bệnh, và là nơi chứa virus.
Hiểu biết chính xác tế bào nào của đường hô hấp đóng vai trò quan trọng trong lây nhiễm bệnh sẽ góp phần cho nghiên cứu phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19 hiệu quả. Kết quả nghiên cứu này cũng có thể giúp lý giải tại sao tải lượng virus ở mũi nhiều hơn ở họng.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở mũi hay họng?
Virus hiện diện ở mũi nhiều hơn ở họng nên có thể suy ra việc lấy mẫu ở mũi sẽ có kết quả chính xác hơn? Thực tế còn tùy thuộc vào nhân lực, phương tiện lấy mẫu ở từng địa phương và quốc gia.
Lấy mẫu ở mũi (vòm mũi họng hay cuốn mũi giữa) có nhược điểm là kích thích nhiều hơn, gây hắt hơi làm tăng khả năng lây nhiễm cho nhân viên y tế, nên nhân viên y tế phải được huấn luyện cách lấy mẫu và trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân thật an toàn.
Lấy mẫu ở mũi cũng khó thực hiện ở trẻ em hay người già. Do đó nếu không làm đúng kỹ thuật thì lấy mẫu ở mũi có khi còn cho kết quả không chính xác bằng lấy ở họng.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) trước kia khuyến cáo ưu tiên lấy mẫu ở mũi, nhưng mới đây vào ngày 29-4-2020 họ đã điều chỉnh lại không còn ưu tiên này, mà lấy ở mũi hay họng đều được.
Chúng ta cần làm gì để hạn chế lây nhiễm?
Bên cạnh các biện pháp rửa tay bằng xà phòng hay nước sát khuẩn có cồn, che mũi miệng khi hắt hơi, tránh chạm tay vào mắt mũi miệng khi chưa rửa tay, giãn cách xã hội… việc đeo khẩu trang thường xuyên đóng vai trò quan trọng giúp phòng ngừa và giảm lây lan bệnh.
Đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng đã được CDC khuyến cáo từ ngày 3-4 cho tất cả người dân Mỹ, kể cả người khỏe mạnh, để ngăn ngừa lây lan COVID-19. Gần đây, việc đeo khẩu trang cũng đã được các nước châu Âu khuyến cáo cho người dân, vốn trước kia ít được chú trọng như là một biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cần lưu ý khi đeo khẩu trang phải luôn che kín cả mũi lẫn miệng thì mới hiệu quả trong việc phòng ngừa, hay tránh gây lây lan cho người khác.
Nguồn: Theo báo TTO (PGS.TS.BS TRẦN VIẾT LUÂN – Tổng thư ký Hội tai mũi họng Việt Nam)