Vừa qua, trên Facebook, tài khoản L.N đã chia sẻ câu chuyện về sự nguy hiểm khi tự ý nặn nhọt cho con. “Nằm trông con trong viện mới rảnh viết những dòng này, mong các mẹ bỉm sữa tránh được sai lầm của vợ chồng mình”, L.N cho biết.
Theo người mẹ này, con mọc nhọt ở đùi, sau đó, sưng và cứng xung quanh. Hai vợ chồng quyết định nặn nhọt cho con và thấy có mủ xanh. Sau khi nặn, nhọt tiếp tục sưng to.
“Nặn xong, con lên cơn sốt luôn. Sốt cả đêm 39-40 độ, uống hạ sốt không hạ, phát ban toàn thân. Hai vợ chồng mới hốt hoảng bế con vào viện thì con đã bị bội nhiễm, máu gây ban toàn thân, phải truyền kháng sinh, nếu không đáp ứng thì phải cấy máu”, tài khoản này chia sẻ. May mắn, bé đáp ứng thuốc tốt nên đã hết sốt và ban độc, không phải cấy máu.
Tuyệt đối không nặn nhọt
Về trường hợp trên, bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), nhận định hành động nặn nhọt của cha mẹ đã khiến đứa trẻ gặp nguy hiểm. Phần da sưng cứng xung quanh có tác dụng bảo vệ để nhọt không theo đường máu lan ra.
“Khi nặn nhọt, chúng ta đã phá vỡ vòng bảo vệ xung quanh gây bội nhiễm, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng máu”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.
PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay nhọt là những khối viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có khối trắng ở giữa (mủ). Nhọt thường xảy ra ở trẻ em, người già, người có cơ địa nhạy cảm và một số bệnh nhân tiểu đường. Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra nhọt.
Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng dần. Phần mọc nhọt da nóng, đỏ, sưng và đau. Vài ngày sau, nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi. Đôi khi, người bệnh còn có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt.
Kích thước của nhọt thường bằng hạt ngô, hạt đỗ, quả mận, thậm chí to như quả trứng gà, trong có nhiều mủ. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông.
Vi trùng gây nên nhọt dễ dẫn tới nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng với các biểu hiện thường thấy như mất ý thức, hôn mê, sốt cao, nói sảng.
Nhọt có thể lây sang các vùng da lân cận hoặc người khác nếu nặn, gãi hoặc chạm vào chỗ bị nhiễm trùng; mặc quần áo, sử dụng khăn hoặc ga giường mà người bệnh đã sử dụng.
Xử lý thế nào khi bị nhọt?
PGS Thường khuyến cáo nguyên tắc sống còn dành cho người bị nhọt là không được trực tiếp sờ, xoa, nhất là tự ý chích. Bệnh nhân chỉ được bôi thuốc sát trùng như Betadine, cồn lode 3%, hoặc nước muối đặc bên ngoài kèm theo uống thuốc kháng sinh đủ, đúng liều, uống sớm. Khi nhọt có mủ và chuẩn bị vỡ, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế sát trùng các dụng cụ chích nhọt, sau đó điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, có nhiễm khuẩn, bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện.
“Chúng ta chỉ được dùng các dụng cụ đã sát khuẩn can thiệt vào nốt nhọt khi đã chín, biểu hiện là có mủ trắng. Khi mụn đang sưng tấy, tuyệt đối không được chích bởi dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết”, PGS Thường khuyến cáo.
Nguồn: news.zing.vn