Thấy đau, ngứa ran, tê ở cổ tay, bàn tay… Nếu bạn gặp các dấu hiệu này, rất có thể bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay. Để hiểu hơn về căn bệnh này, mời Quý vị theo dõi bài viết dưới đây của BSCKI Lý Na Rương (Giám đốc chuyên môn – PKĐK, công ty TNHH Bệnh Viện Thánh Mẫu).
I. ĐỊNH NGHĨA
Hội chứng ống cổ tay (tên tiếng Anh: Carpal tunel syndrome) là một hội chứng chèn ép dây thần kinh giữa trong ống cổ tay gây đau, tê, có thể yếu liệt ống cổ tay.
II. NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ
Nguyên nhân chính xác gây bệnh chưa được biết rõ, nhưng các yếu tố dưới đây có thể là yếu tố nguy cơ:
- Cal lệch trong gãy đầu dưới xương quay.
- Sự dầy lên của dây chằng ngang, viêm dính các bao gân gấp.
- U chèn ép: u mỡ, u bao gân, u thần kinh, u xương, u nang hoạt dịch.
- Một số bệnh lý liên quan: tiểu đường, suy giáp, gout, VKDT.
- Cơ địa: mang thai, béo phì, tiền mãn kinh. Tần suất ở nữ gấp 5 lần nam, uổi thường gặp 40-60 tuổi.
- Công việc nặng nhọc, làm việc với dụng cụ rung, lao động bằng tay nhiều.

III. CHẨN ĐOÁN
Việc chẩn đoán hội chứng ống cổ tay dựa vào:
1. Lâm sàng
- Đau: Đau cổ tay, đau lan xuống ngón 1, 2, 3 và nữa ngoài của ngón 4, sau đó đau cả lòng bàn tay và các ngón tay, có thể lan lên cẳng tay.
- Tê: Tê rần như kiến bò, kim châm, nóng rát. Cảm giác tê tăng nhiều về đêm hoặc lái xe, nghỉ 1 lúc hoặc vảy vảy tay như vảy liều kế thì tê giảm.
- Giảm hoặc mất cảm giác ở các ngón tay.
- Một số trường hợp nặng hoặc chèn ép kéo dài sẽ gây teo cơ ở mô cái, yếu liệt cổ tay gây biến dạng bàn tay khỉ.

2. Khám
- Tìm dấu hiệu giảm khả năng phân biệt 2 điểm trên cùng búp ngón tay
- Tìm các nghiệm pháp:
- Tinel test: uỗi bàn tay hết cỡ, dùng búa gõ phản xạ gõ vào vùng trước cổ tay làm xuất hiện hoặc làm tăng cảm giác tê, đau ở các ngón 1, 2, 3, nữa ngoài ngón 4(thần kinh giữa chi phối).
- Phalen test: giữ bàn tay ở tư thế gập tối đa trong khoảng 1 phút, có thể làm tăng đau và tê ở các ngón tay.
3. Cận lâm sàng
- Đo điện cơ (EMG) 2 tay: là tiêu chẩn vàng giúp chẩn đoán xác định, chẩn đoán mức độ và giúp phân biệt với hội chứng chèn ép rễ-dây thần kinh cổ, hc đám rối thần kinh cánh tay.
- X quang cột sống cổ 4 tư thế: cần thiết để loại trừ trường hợp Hội chứng ống cổ tay có chèn ép rễ thần kinh cổ do hẹp lỗ liên hợp.
- Siêu âm, x quang nếu cần thiết để xác định cal xương lệch, u chèn ép vùng cổ tay.
IV. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị bảo tồn
– Các phương pháp không dùng thuốc:
- Nẹp cổ tay để giữ bàn tay ở vị trí trung gian
- Tập VLTL: kéo dãn cơ, siêu âm, bó parafin.
- Châm cứu: Liệu trình điều trị: 1 lần/ngày( cách ngày), 1 liệu trình từ 10-15 lần, có thể từ 1-3 liệu trình
– Các phương pháp dùng thuốc:
- Sinh tố nhóm B, ATP, Calxi.
- Kháng viêm non steroid đường uống: diclofenac, meloxicam, celecoxib, etoricoxib
- Thuốc giảm đau thần kinh: gabapentin, pregabalin.
- Tiêm steroid tại đường hầm cổ tay.
2. Điều trị phẫu thuật
- Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không đạt hiệu quả
- Đây là phương pháp điều trị chính, không mất máu, về trong ngày, cắt chỉ sau 7-10 ngày, vết mổ nhỏ trước cổ tay khó thấy khi lành.
- Nếu bị bệnh không lâu chỉ cần mở ống cổ tay, cắt dây chằng ngang và giải phóng thần kinh giữa là đủ. Nếu bị bệnh đã lâu, kích thích điện cơ không đáp ứng, có teo cơ gò cái thì bao ngoài thần kinh bị siết, ép chặt, xơ hóa, teo lại, cần phải bóc tách và cắt bao ngoài thần kinh đến nhánh quặt ngược.


V. LỜI KẾT
Trên đây là những chia sẻ sơ lược về hội chứng ống cổ tay của BCKI Lý na Rương (Giám đốc chuyên môn – PKĐK, công ty TNHH Bệnh Viện Thánh Mẫu). Hy vọng rằng những chia sẻ trên giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh khá phổ biến này.
Nếu bạn có các thắc mắc cần giải đáp về hội chứng ống cổ tay, bạn đừng ngần ngại gọi điện tới số Tổng đài tư vấn của Phòng khám đa khoa – Công ty TNHH Bệnh Viện Thánh Mẫu để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể: (028)38652225