Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bàn tay và cẳng tay bị tê đau, châm chích.., còn gọi là Hội chứng đường hầm cổ tay, Hội chứng chèn ép thần kinh giữa.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bàn tay và cẳng tay bị tê đau, châm chích, đi kèm một số triệu chứng khác. Bệnh này còn có tên gọi khác là Hội chứng đường hầm cổ tay, Hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Nếu bệnh nặng, kéo dài, không điều trị kịp thời, bàn tay sẽ thường xuyên bị tê, liệt cơ vùng mô cái, đánh rơi vật cầm nắm…
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bàn tay và cẳng tay bị tê đau, châm chích, đi kèm một số triệu chứng khác. Bệnh này còn có tên gọi khác là Hội chứng đường hầm cổ tay, Hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Có nhiều yếu tố dẫn tới hội chứng ống cổ tay, bao gồm vấn đề của ống cổ tay, và do thói quen sử dụng của tay.
2. Nguyên nhân của Hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay là khoảng không gian trống hẹp được tạo nên bởi khối xương cổ tay và dây chằng ngang kéo ngang qua đoạn cổ tay. Ống cổ tay che chắn, bảo vệ cho 9 gân cơ gập ngón tay, và một dây thần kinh giữa chạy trong cổ tay.
Dây thần kinh giữa vừa truyền tín hiệu ngoại biên về trung ương não, vừa truyền mệnh lệnh vận động từ não tới các bắp thịt của ngón tay. Nếu vì một hoặc nhiều lý do nào đó, không gian trong ống cổ tay (vốn không co giãn được) bị thu hẹp, khiến các gân cơ gập chèn ép lên dây thần kinh giữa, bạn sẽ bị mắc hội chứng cổ tay. Vì thế, bệnh này còn có tên gọi khác là Hội chứng chèn ép thần kinh giữa.
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến không gian trong ống cổ tay trở nên chật chội hơn. Ví dụ, các gân cơ bắp bị viêm, sưng lên, hoặc do chấn thương làm biến dạng phần khung của ống cổ tay.
3. Các dấu hiệu nhận biết Hội chứng ống cổ tay
– Đau tê: Hội chứng ổng cổ tay thường xuất hiện triệu chứng bệnh từ từ, lúc có, lúc không. Người bệnh bắt đầu cảm thấy sự tê, hoặc châm chích ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần của ngón đeo nhẫn (ngón áp út).
Cảm giác đau tê, châm chích có thể lan từ cổ tay lên đến cẳng tay.
Cảm giác đau tê thường nặng hơn vào ban đêm, có thể do tư thế nằm, bệnh nhân đè lên tay hoặc gập cổ tay thời gian dài.
– Yếu cơ: Người bệnh cảm thấy đau tê khi cầm, nắm vật, dễ đánh rơi vật đang cầm.
4. Hội chứng ống cổ tay có phải là bệnh văn phòng?
Bệnh này tương đối phổ biến, xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam giới. Càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh này, độ tuổi phổ biến là từ 45 – 60 tuổi.
Hội chứng ổng cổ tay có thể coi là một loại bệnh văn phòng hoặc bệnh nghề nghiệp, ở những đối tượng làm việc nhiều với máy vi tính, lặp đi lặp lại hàng ngày động tác đánh máy, điều khiển chuột vi tính. Tuy nhiên, hội chứng không chỉ giới hạn ở nhóm người làm việc văn phòng. Sau đây là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ống cổ tay:
– Những người làm công việc nhẹ, nhưng sử dụng tay nhiều, lặp đi lặp lại một số động tác, như đánh máy, điều khiển chuột vi tính, điều khiển xe (xe máy và xe ô tô), hoặc công nhân làm việc trong nhà máy dây chuyền..
– Những người béo phì, bệnh tiểu đường, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, suy thận…
– Phụ nữ có thai, phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
– Những người bị chấn thương như gãy xương ống cổ tay, khiến đường hầm ống cổ tay bị biến dạng, tạo áp lực lên dây thần kinh giữa.
5. Điều trị hội chứng ống cổ tay
Người bị hội chứng ống cổ tay nên được điều trị càng sớm càng tốt, khi các dấu hiệu mới bắt đầu. Tùy vào cấp độ bệnh, bác sĩ sẽ cho hướng chữa trị phù hợp.
– Điều trị không dùng thuốc:
• Bạn có thể giải tỏa cảm giác tê dại bằng cách thường xuyên cho tay được nghỉ ngơi, tránh hoạt động khiến triệu chứng tệ hơn, chườm khăn lạnh để giảm sưng…
• Nẹp cổ tay khi ngủ
• Đến các trung tâm vật lý trị liệu để tiếp nhận điều trị chuyên nghiệp
– Điều trị dùng thuốc:
Để điều trị dùng thuốc, bệnh nhân nên đến khám tại các phòng khám, chuyên khoa Ngoại thần kinh, Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Cơ Xương Khớp. Tại đây, bác sĩ sẽ khám và cho đơn thuốc điều trị phù hợp tình trạng bệnh.
– Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật:
• Phẫu thuật nhằm giúp giải tỏa áp lực của dây thần kinh giữa.
• Phẫu thuật được chỉ định sau khi các biện pháp can thiệp nội khoa không đạt được hiệu quả như ý, các triệu chứng ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng tới sinh hoạt, công tác của người bệnh.
• Có 2 phương thức phẫu thuật: mổ hở và mổ nội soi. Các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm dần sau khi mổ vài tháng đến 1 năm.
• Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục được bác sĩ theo dõi, khuyến khích và hướng dẫn những hoạt động cử động tay phù hợp, hoặc tới cơ sở vật lý trị liệu uy tín để giúp vết thương mau lành sẹo, kích thích thần kinh phục hồi nhanh, giảm teo cơ.
Khoa Ngoại Bệnh viện Thánh Mẫu đã tiếp nhận và điều trị thành công rất nhiều ca mắc Hội chứng ống cổ tay với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Bên cạnh đó, Khoa Vật lý trị liệu có bề dày kinh nghiệm nhiều năm của Bệnh viện Thánh Mẫu cũng hỗ trợ hiệu quả trong quá trình chữa trị hoặc phục hồi sau mổ của bệnh nhân Hội chứng ống cổ tay.
Nếu Quý khách hàng cần tư vấn thêm về Hội chứng ống cổ tay, vui lòng liên lạc trực tiếp với Bệnh viện Thánh Mẫu.
Công ty TNHH Bệnh viện Thánh Mẫu
Số 118, đường Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình, TP.HCM
Số điện thoại: (08) 3865 2225
Email: bvthanhmautanbinh@gmail.com
Tin nhắn Facebook: www.facebook.com/benhvienthanhmau