Điều trị bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

thuoc tri sot xuat huyet

Câu hỏi nhiều người thường thắc mắc là, bệnh sốt xuất huyết điều trị như thế nào? Uống thuốc hạ sốt có khỏi bệnh hay không? Bệnh viện Thánh Mẫu xin chia sẻ cùng Quý bạn đọc một số kiến thức hữu ích về vấn đề này.

Bệnh sốt xuất huyết là căn bệnh xuất hiện hầu như quanh năm ở những nước nhiệt đới như Việt Nam. Điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, cũng với thói quen sinh hoạt, môi trường sống… vô tình tạo điều kiện cho loài muỗi vằn (Aades) truyền bệnh sốt xuất huyết cư ngụ và phát triển. Câu hỏi mà nhiều người thường thắc mắc là, bệnh sốt xuất huyết điều trị như thế nào? Uống thuốc hạ sốt có khỏi bệnh hay không? Bệnh viện Thánh Mẫu xin chia sẻ cùng Quý bạn đọc một số kiến thức hữu ích về vấn đề này.

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết (tên gọi đầy đủ là Sốt xuất huyết Dengue) bản chất cũng là một loại sốt do virus gây ra. Virus Dengue lây truyền từ người mang mầm bệnh thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Có thể hiểu đơn giản cơ chế truyền bệnh là muỗi vằn hút máu người nhiễm virus Dengue. Virus này ủ trong cơ thể con muỗi đó, và truyền cho người khỏe mạnh khác khi bị con muỗi đó đốt.

Sốt xuất huyết là một trong hai thể bệnh mà virus Dengue gây ra ở người. Thể bệnh kia là sốt Dengue, ít nguy hiểm hơn. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa sốt Dengue và Sốt xuất huyết Dengue.

2. Sốt xuất huyết nguy hiểm hay không?

Sốt xuất huyết nguy hiểm hơn sốt Dengue, có diễn biến phức tạp hơn. Bệnh nhân cần được chăm sóc y tế đúng cách, đề phòng biến chứng, sốc hoặc nguy cơ dẫn đến tử vong.

3. Sốt xuất huyết có thuốc đặc trị không?

Hiện tại, y khoa thế giới chưa phát minh ra thuốc đặc trị, cũng như chưa có vaccine phòng chống. Điều trị sốt xuất huyết là điều trị triệu chứng bệnh, chủ yếu là giúp giảm sốt, giảm đau, ngăn chặn hiện tượng mất nước.

thuoc tri sot xuat huyet

Người mắc sốt xuất huyết cần dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ.

4. Làm gì khi bị sốt xuất huyết?

– Bệnh nhân cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều.

– Bệnh nhân cần uống thuốc hạ sốt, kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Sốt xuất huyết có thể gây ra cơn sốt từ nhẹ tới cao 40-41oC. Trẻ em sốt cao dễ bị co giật nên người lớn chăm sóc cần đặc biệt chú ý.

– Tuy nhiên, người bệnh sốt xuất huyết không được sử dụng thuốc aspirin và những loại thuốc chống viêm không steroid khác như ibuprofen, naproxene, diclofenac… Những thuốc này có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nhưng có tác dụng phụ là kéo dài thời gian chảy máu, gây xuất huyết dưới da do ức chế ngưng kết tiểu cầu. Đây là điều tối kỵ đối với người nhiễm sốt xuất huyết, vì bệnh này có thể gây ra hiện tượng xuất huyết ngoài da, xuất huyết niêm mạc, và xuất huyết tiêu hóa.

– Người mắc bệnh sốt xuất huyết có thể uống paracetamol để giảm đau, hạ sốt. Hãy uống đúng liều, theo chỉ định của bác sĩ. Sốt xuất huyết thường gây ra những đợt sốt cao, dai dẳng, đặc biệt trong mấy ngày đầu. Hậu quả là nhiều người tự ý tăng liều lượng, gây hại cho gan, thậm chí có thể gây ngộ độc cấp tính nếu dùng liều lượng quá nhiều.

– Thuốc kháng sinh không được khuyến cáo dùng trong sốt xuất huyết. Nếu dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, cần có chỉ định từ bác sĩ.

– Trong giai đoạn sốt, bệnh nhân cần được theo dõi lượng nước trong cơ thể, tránh hiện tượng mất nước, đồng thời theo dõi tình trạng đi tiểu. Hiện tượng mất nước xảy ra khi số lượng chất lỏng mất đi nhiều hơn lượng chất lỏng cơ thể dung nạp, khiến cơ thể không đủ lượng chất lỏng cần thiết để vận hành đầy đủ chức năng.

Những dấu hiệu cho thấy một người bị mất nước bao gồm: khô miệng, cảm giác khát, mệt mỏi/buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt, tuyến lệ tiết rất ít hoặc gần như không chảy nước mắt khi khóc…

Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cảm thấy cực kỳ khát, tâm tính cáu gắt, rất khô miệng, khô da, ít toát mồ hôi, đi tiểu ít hoặc thậm chí gần như không đi tiểu, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc màu hổ phách. Đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ, hãy quan sát dấu hiệu mất nước thông qua tần suất đi tiểu/màu sắc nước tiểu, do nhóm đối tượng này khó thể hiện rõ biểu hiện khát.

– Người bệnh cần được bổ sung nước cho cơ thể (như oresol), thông qua đường uống hoặc truyền dịch tĩnh mạch. Ưu tiên bù dịch bằng đường uống, chỉ truyền dịch trong trường hợp nặng. Không nên tự ý truyền dịch tại nhà. Nhân viên y tế cần thường xuyên kiểm tra tình trạng mất nước của bệnh nhân thông qua kiểm tra nhịp tim, hiệu áp, huyết áp, độ đàn hồi của mao mạch, và tình trạng đi tiểu.

– Sau vài ngày sốt cao, cơn sốt có thể có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, thay vì khỏi bệnh, người bệnh có thể tiến vào giai đoạn sốt xuất huyết nặng, kéo dài trong vòng 24-48 giờ. Lúc này, người bệnh cần có sự can thiệp kịp thời của chăm sóc y tế, tránh Hội chứng sốc Dengue, biến chứng, nguy cơ tử vong.

Khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt nếu bạn sống trong vùng đang có dịch, vào mùa bệnh sinh sôi, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra. Bác sĩ sẽ xác định bệnh qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm.

Hiện nay, dịch sốt Zika lan rộng với những triệu chứng ban đầu tương tự như sốt cao, đau nhức mỏi người… khiến chúng ta càng dễ nhầm tưởng các loại bệnh. Hãy xác định đúng bệnh, tiếp nhận điều trị y tế hoặc mua thuốc uống theo chỉ định từ bác sĩ, tránh bệnh nặng thêm, hoặc biến chứng nguy hiểm.

Nếu Quý bạn đọc cần tìm hiểu thêm về bệnh sốt xuất huyết, vui lòng liên hệ PKĐK, công ty TNHH Bệnh viện Thánh Mẫu để được tư vấn miễn phí.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *