Đau vai gáy là một bệnh thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới. Đáng chú ý, hiện nay bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa nhiều, nhất là ở những người làm việc văn phòng… Đây là một hội chứng thông thường nhưng tiềm ẩn không ít nguy hiểm, không thể chủ quan.
Tổng quan về đau vai gáy
Đau cổ vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc ở người ngồi làm công việc văn phòng trong một khoảng thời gian dài liên tục. Nhiều trường hợp ngoài đau vai gáy còn gây mỏi ở tay, tê tay, nặng tay, mỏi khắp vùng vai.
Triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân đau vai gáy là cơn đau lan từ vùng gáy ra tai, cổ ở một bên. Có trường hợp cơn đau bả vai cánh tay ở một bên sau một thời gian người bệnh có cảm giác tê mỏi ở tay bên đau, cũng có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt và ù tai.
Cơn đau vai gáy có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: Tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ, giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất thiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Nguyên nhân của các bệnh đau cổ, đau vai gáy thường gặp nhất là gối đầu cao khi ngủ hoặc kê đầu trên vật cứng một thời gian dài vài tiếng như: khi đi xe đò ngủ đầu tựa trên ghế dựa, nằm xem ti vi… Đặc biệt, những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế rất dễ bị đau vai gáy.
Ngoài ra, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Do đó, bệnh gặp nhiều hơn ở những người bắt đầu đến tuổi trung niên, với hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi.
Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau vai gáy còn do tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau…, hoặc do công việc hàng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần như lái xe, sơn trần, làm việc với máy vi tính.
Những bệnh lý gây đau vai gáy
Khác với những trường hợp bị đau vai gáy có nguyên nhân cơ học, nhóm nguyên nhân từ bệnh lý khiến tình trạng đau diễn biến phức tạp. Đồng thời, nó cũng khó điều trị hơn. Thông thường, chỉ khi cơn đau kéo dài hơn 1 tuần và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì người bệnh mới thăm khám ở cơ sở y tế.
Theo nhận định của các bác sĩ, hầu hết những trường hợp đau vai gáy gây nguy hiểm đều có nguyên nhân từ bệnh lý. Các bệnh này không chỉ liên quan đến cột sống mà còn liên quan đến não. Cả hai bộ phận này đều là nơi tập trung rất nhiều dây thần kinh và chịu trách nhiệm điều khiển toàn bộ hoạt động của cơ thể. Nếu tình trạng tổn thương ở cột sống (đặc biệt là ở các đốt sống cổ) và não không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bại liệt, rối loạn thần kinh thực vật hoặc mất ý thức.
Không được chủ quan với bệnh
Thông thường hội chứng đau vai gáy không nguy hiểm nhưng gây ra sự lo lắng, khó chịu, mỏi mệt cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống. Thậm chí nhiều trường hợp không được điều trị kịp thời hoặc điều trị sai phương pháp dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Phác đồ điều trị tình trạng đau vai gáy do bệnh lý gây ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là tình trạng và thể trạng của người bệnh. Các bác sĩ quyết định điều này sau khi cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Việc bạn cần làm là tuân theo các chỉ dẫn của họ.
Bệnh đau vai gáy có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào chính bản thân bạn. Nếu chủ động điều trị, điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và ăn uống của mình thì khả năng tác động của bệnh sẽ rất ít. Cụ thể là:
- Nếu đã có chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống cổ thì bạn không nên xoay lưng hoặc vặn cổ mạnh;
- Xoa bóp, bấm huyệt có thể giảm đau nhưng cần thực hiện đúng cách và điều đặn hàng ngày. Bạn có thể kết hợp với thuốc xoa bóp nhưng điều này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện;
- Không tự ý mua thuốc giảm đau hoặc tự kết hợp các loại thuốc với nhau mà không có chỉ định của bác sĩ. Kể cả việc dùng thuốc Đông y cũng phải đúng liều lượng và chỉ dẫn của thầy thuốc. Bạn nên thông báo cho họ biết các loại thuốc đang dùng;
- Hạn chế ngồi quá lâu trước máy lạnh. Nên che nắng khi ra ngoài;
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá;
- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng và vừa sức;
- Ăn uống đầy đủ chất. Bổ sung thêm canxi, vitamin B, D, C và E;
- Nghỉ ngơi hợp lý. Cân bằng giữa công việc và thư giãn để tin thần được thoải mái nhất.
Để điều trị điều trị hiệu quả bệnh đau vai gáy, người bệnh nên đến khám chữa bệnh tại những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phác đồ hiệu quả điều trị.
Nguồn: Bệnh Viện Thánh Mẫu (TH)