Cứng khớp ngón tay vào buổi sáng khi ngủ dậy là tình trạng hay gặp, gây nhiều khó khăn cho người mắc khi cử động. Vậy đây là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Cứng khớp ngón tay có thể tự khỏi nếu đây chỉ là một phản ứng thông thường của cơ thể do phải chịu một áp lực cơ học nào đó như: xách đồ nặng, nằm đè lên bàn tay khi ngủ,… Tuy nhiên, nếu hiện tượng này lặp lại nhiều lần cùng với những biểu hiện khác như: Đau khớp, khớp ngón tay sưng đỏ, ấm nóng, một số trường hợp còn bị biến dạng đốt ngón tay,… có nghĩa là bạn đang gặp vấn đề về xương khớp.
Cứng khớp ngón tay vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của những bệnh xương khớp sau:
- Thoái hóa khớp: Mô sụn ở khớp ngón tay theo thời gian sẽ bị bào mòn dần, khiến đầu xương cọ sát với nhau gây đau nhức, viêm tấy và cứng khớp ngón tay.
- Viêm khớp dạng thấp: Khi bị viêm khớp dạng thấp, người mắc thường bị cứng khớp ở nhiều ngón tay. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, nhận diện nhầm tổ chức mô, khớp thành những tác nhân gây hại, từ đó tấn công vào các mô, khớp lành. Khi chuyển nặng, bệnh không chỉ khiến ngón tay bị viêm mà còn gây căng cứng, sưng tấy mang tính chất đối xứng.
- Viêm gân: Khi bị viêm gân hoặc viêm bao gân cũng khiến cho khớp ngón tay bị tổn thương, làm căng cứng, sưng tấy, đau nhức. Tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm cảm giác ở ngón tay, cổ tay,…
Để cải thiện tình trạng cứng khớp ngón tay vào buổi sáng, người mắc có thể sử dụng một số phương pháp như: Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, massage cho các khớp ngón tay, thực hiện bài tập giảm cứng khớp ngón tay…. Nếu thực hiện các phương pháp trên mà tình trạng cứng khớp không cải thiện, bạn cần tới khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp uy tín để được bác sĩ thăm khám, chần đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: TH