Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cứng khớp ngón tay, trong đó có nguyên nhân là những căn bệnh có thể gây mất vận động, khiến người bệnh rất khó khăn trong sinh hoạt, công việc và cuộc sống. Không chủ quan, điều trị bệnh kịp thời giúp bạn trở lại sinh hoạt bình thường và vui sống mỗi ngày.
Cứng khớp ngón tay là trở ngại lớn đối với cuộc sống thường nhật. Đây có thể là kết quả của quá trình lão hóa, lối sống thụ động, thừa cân, béo phì, nhưng cũng có thể là do một số bệnh lý nguy hiểm. Dưới đây là 5 bệnh lý điển hình khiến khớp ngón tay cứng, đau và sưng.
1. Thoái hóa khớp
Viêm xương khớp cũng là một trong số các bệnh lý viêm khớp điển hình thường gặp nhất ở người trên 60 tuổi. Các mô, sụn khớp và hoạt dịch có chức năng bảo vệ đầu xương dần hao mòn, thoái hóa chất dinh dưỡng theo thời gian và tuổi tác. Bệnh ảnh hưởng đến gần 70% số người trên dưới tuổi 65 và 5% là ở những người trẻ béo phì.
Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh thường cao hơn nam giới. Đặc biệt ở phụ nữ làm công việc tay chân, bếp núc, nhà cửa, đôi tay lại càng chịu nhiều áp lực hơn cả. Do đó, tình trang cứng khớp ngón tay ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày.
Các chồi xương tăng sinh bất thường không những gây đau ở các khớp tay mà còn dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như thoát vị đĩa đệm, đau rễ thần kinh,…
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý cơ xương khớp mạn tính hàng đầu, gây nên tình trạng viêm sưng ở nhiều khớp, trong đó khớp ngón tay là dễ nhận biết nhất. Bệnh tác động đến các đối tượng nằm trong độ tuổi từ 30 đến 60.
Tình trạng cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng với hơn 30 phút đi kèm với triệu chứng sưng, đau, đỏ nóng quanh các khớp.
3. Bệnh Gout
Bệnh Gout hay còn gọi thống phong, là một loại viêm khớp gây sưng và đau ở các khớp. Bệnh xảy ra khi axit uric tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm ở khớp. Đặc trưng của bệnh Gout là những cơn đau đột ngột (thường là lúc giữa đêm) gây sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội ở khớp viêm, đặc biệt là các khớp ở ngón chân, nhưng bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp ở chân khác (đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay).
4. Bệnh Lupus ban đỏ
Lupus là bệnh tự miễn, làm viêm mô liên kết và có thể tổn hại đến các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự sản xuất kháng thể tự tấn công vào các cơ quan trong cơ thể. Bệnh ảnh hưởng đến khớp, da, phổi, tim, mạch máu, thận, hệ thần kinh và tế bào máu.
Bệnh khiến các khớp tay sưng viêm và tê cứng trong nhiều trường hợp. Lupus còn gây ra hiện tượng Raynaud (tình trạng mạch máu bị co thắt khiến ngón tay, ngón chân, tai và mũi bị đau và tím tái).
5. Ung thư xương
Tuy hiếm gặp nhưng ung thư xương cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến sưng viêm, đau cứng ở khớp.
Ung thư vẫn có khả năng chữa trị được. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị sẽ tùy thuộc vào thời gian phát hiện bệnh, kích thước khối u, thể trạng người bệnh và nhiều yếu tố khác.
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở các khớp ngón tay kéo dài nhiều ngày, người bệnh nên thăm khám các bác sĩ chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị bệnh kịp thời giúp việc điều trị đơn giản hơn, ít tốn kém hơn.
Nhiều người thường chủ quan, chỉ dùng thuốc giảm đau để đối phó với cơn đau và viêm tạm thời mà quên rằng, khi chưa tác động đến nguyên nhân gốc rễ thì bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.
Nguồn: TH