Bệnh bạch hầu do trực khuẩn bạch hầu gây ra, đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm. Biến chứng thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh, thậm chí gây tử vong.
1. Sơ lược về bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh bạch hầu rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Nếu không được điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu là khoảng 3% trong tổng số ca mắc bạch hầu.
2. Biến chứng của bệnh bạch hầu
Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Tử vong vào khoảng 5 đến 10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.
3. Phòng bệnh bạch hầu
Phòng bệnh không đặc hiệu: Cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Phòng bệnh đặc hiệu: Tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng.
Nguồn: TH