Con gái tôi bị hội chứng bàng quang tăng hoạt được gần 3 năm nhưng gần đây gia đình mới để ý, đưa cháu đi khám và uống thuốc nhưng cháu vẫn không đỡ. Đọc trên mạng thì tôi thấy triệu chứng bệnh của con gái tôi giống với triệu chứng của bệnh bàng quang tăng hoạt: cháu đi tiểu nhiều, hơn 10 lần/ngày, tiểu không đau, không buốt hay ra máu, cháu tiểu xong đôi lúc vẫn có cảm giác buồn tiểu.
Tôi đọc trên mạng thấy bảo phải đi phẫu thuật nhưng con gái tôi mới 16 tuổi thôi. Cháu ngày trước do học ở 1 trường công lập nhà vệ sinh bẩn quá nên cháu toàn nhịn tiểu – tôi nghĩ đấy là nguyên nhân dẫn đến bệnh của cháu. Bác sĩ có thể nói rõ thêm cho tôi về bệnh này không? Và cách ăn uống, điều trị như thế nào? Cảm ơn bác sĩ nhiều! (myle…@gmail.com)
Trả lời:
Thân chào chị!
Con gái chị đang có những triệu chứng của bệnh bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên do không có các kết quả xét nghiệm nên chưa thể khẳng định chắc chắn cháu bị hội chứng bàng quang tăng hoạt hay một nguyên nhân nào khác.
Bàng quang tăng hoạt là bệnh về chức năng chứa đựng của bàng quang, làm cho bệnh nhân mắc tiểu rất cấp bách, rất khó khăn kiềm giữ nước tiểu được, và có thể làm cho són tiểu (tiểu không kiểm soát).
Triệu chứng:
- Cảm thấy nhu cầu đi tiểu mạnh mẽ và bất thình lình
- Có bị tiểu không kiểm soát, hay són tiểu không theo ý muốn theo sau cái cảm giác mắc tiểu đó.
- Đi tiểu thường xuyên, thông thường hơn 8 lần trong 24 giờ
- Thường đi tiểu đêm
Điều trị bàng quang tăng hoạt, bước đầu tiên là thay đổi thói quen. Bao gồm:
- Hạn chế uống nước
- Tập luyện bàng quang, cố nhịn đi tiểu một chứt khoảng chừng 10 phút sau khi có cảm giác quá mắc tiểu
- Đi tiểu 2 lần: sau khi đi tiểu xong, đợi vài phút hãy vào đi tiểu 1 lần nữa để làm trống bàng quang.
- Lập thời khóa biểu đi tiểu, cố gắng tiểu cùng một thời gian trong ngày.
- Tập các cơ vùng chậu, gọi là tập luyện Kegel làm chắc các cơ vùng chậu, nhưng cơ này có tác dụng giữ nước tiểu, tránh cho bàng quang có những cơn co không theo ý muốn.
- Dùng thuốc: thuốc giãn cơ bàng quang.
- Kích thích dây thần kinh cùng: Các dây thần kinh xương cùng mang tín hiệu giữa tủy sống và các dây thần kinh trong các mô của bàng quang. Điều chế các xung động thần kinh có thể cải thiện triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức. Phương pháp này, một dây mỏng được đặt gần các dây thần kinh xương cùng, gần xương cụt. Bác sĩ sau đó sử dụng một thiết bị kết nối vào dây để cung cấp xung điện vào bàng quang, tương tự như máy tạo nhịp tim cho tim. Nếu thành công trong việc giảm các triệu chứng, dây này cuối cùng được kết nối với một cục pin nhỏ được đặt dưới da.
- Phẫu thuật chỉ áp dụng riêng cho những người có các triệu chứng nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Chị nên đưa cháu đi kiểm tra lại để xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị hiệu quả.
Chúc cháu sớm khỏi bệnh!
BS. Nguyễn Thị Hòa-Bác sĩ đa khoa-Bệnh viện đa khoa Đống Đa
Nguồn: songkhoe.vn