Khàn tiếng là một bệnh rất thường gặp ở giáo viên. Đây là một bệnh nghề nghiệp của giáo viên. Nguyên nhân của bệnh là gì và cách phòng, điều trị bệnh như thế nào? Mời Quý thầy cô, Quý vị theo dõi nội dung dưới đây.
1. Bệnh khàn tiếng là gì?
Khàn tiếng hay khản tiếng là tình trạng thay đổi giọng nói thường hay gặp trong các trường hợp liên quan đến khô hoặc ngứa rát họng. Đây cũng là triệu chứng thường bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến dây thanh âm và có thể là từ viêm thanh quản.
Bệnh khàn tiếng chia thành 2 thể chính là cấp và mạn tính:
- Khàn tiếng cấp: Nguyên nhân thường do viêm thanh quản cấp, do nhiễm siêu vi hoặc vi trùng, ngoài ra khàn tiếng cấp còn do các nguyên nhân khác như: dị ứng – phù nề dây thanh, do hóa chất, do lạm dụng dây thanh quá mức (nói to, gào thét…)
- Khàn tiếng mạn tính: Do viêm thanh quản mạn tính – viêm thanh quản do trào ngược dạ dày – thực quản, do tiếp xúc hóa chất, khói thuốc lá … bệnh lý nghề nghiệp vận động dây thanh quá mức như nghề buôn bán, giáo viên, MC, ca sĩ …và bệnh lý thần kinh gây liệt dây thanh…
Đối với các thầy cô giáo, nguyên nhân gây khàn tiếng có thể xuất phát từ đặc thù công việc phải nói nhiều, nói to. Vì vậy, đa phần giáo viên dễ bị khàn tiếng kéo dài đeo bám, làm ảnh hưởng nhiều đến công việc, cuộc sống…
2. Nguyên nhân của bệnh khàn tiếng
Có rất nhiều nguyên nhân gây khàn tiếng như: Lạm dụng giọng nói, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, trào ngược axit, dị ứng, tình trạng viêm… Với người làm nghề giáo, 3 nguyên nhân hàng đầu khiến họ thường xuyên bị khàn tiếng là viêm thanh quản mạn tính, hạt xơ dây thanh và polyp dây thanh.
Lưu ý là tình trạng khàn tiếng kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề bất thường về sức khỏe như ung thư thanh quản, có bệnh lý về tuyến giáp, phình động mạch chủ… Do đó, nếu bị khàn tiếng kéo dài trên 10 ngày, bạn hãy đi khám ngay để sớm tìm ra nguyên nhân và có sự can thiệp y khoa kịp thời.
3. Điều trị bệnh khàn tiếng
Điều trị bệnh khàn tiếng cần phải dựa theo nguyên nhân:
- Cấp tính: khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tìm nguyên nhân… dùng thuốc theo toa bác sĩ và chủ yếu phải hạn chế nói trong một ít ngày đa số sẽ ổn..
- Khàn tiếng kéo dài > 2 – 3 tuần cần khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để nội soi thanh quản.
- Thay đổi lối sống sinh hoạt, bỏ hút thuốc lá, tránh khói thuốc, bụi hóa chất…sinh hoạt ăn uống điều độ tránh bệnh lý trào ngược dạ dày – thanh quản…
- Khi có khàn tiếng, thay đổi giọng nói, nói yếu, hụt hơi, giọng không chuẩn, cần khám nội soi và làm Hoạt Nghiệm dây thanh (LaryngoStroboscope) để chẩn đoán, tìm nguyên nhân để điều trị.
- Cần chú ý một ít trường hợp khàn tiếng kéo dài có thể do ung thư thanh quản, cần phát hiện bằng nội soi – sinh thiết thanh quản …
- Lưu ý: Khàn tiếng kéo dài điều trị hoài không hết thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được nội soi thanh quản, cần thiết nội soi NBI kết hợp sinh thiết để chẩn loại trừ ung thư thanh quản, đặc biệt bệnh nhân khàn tiếng kéo dài > 2- 3 tuần, có sử dụng thuốc lá, rượu bia …
- Khàn tiếng kéo dài tái đi tái lại còn do không thay đổi được lối sống sinh hoạt… vẫn nói nhiều nói lớn, thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất, trào ngược a xít dạ dày không được điều trị…gây nên tình trạng viêm thanh quản mạn.
4. Cần làm gì để hạn chế tình trạng khản tiếng ở nghề giáo viên?
Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp Quý vị phòng tránh, ngăn ngừa hiệu quả bệnh khàn tiếng:
- Uống nhiều nước (2 – 3 lít/ngày), hạn chế uống nước có gas, sủi… Uống nước thường xuyên là biện pháp giúp làm ẩm họng, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, virus làm cho dây thanh cử động dễ dàng hơn, giảm khô họng khi thời tiết hanh khô, hạn chế sự xuất hiện của các bệnh lý đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm họng, khản tiếng, mất tiếng.
- Không nên ăn chua ăn cay quá mức…
- Hạn chế sử dụng giọng nói quá mức bằng cách dùng các dụng cụ hỗ trợ trong quá trình giảng bài như mic, loa,… Phân bổ thời gian nói hợp lý, dành thời gian để giọng nói của bạn được nghỉ ngơi là cách giúp bảo vệ thanh quản và giọng nói của bạn rất tốt đồng thời giúp phòng ngừa các triệu chứng khản tiếng, mất tiếng rất hiệu quả.
- Giữ ấm cơ thể, cổ họng khi thời tiết thay đổi giúp phòng ngừa các bệnh lý của đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, tình trạng khản tiếng, mất tiếng…
- Thay đổi lối sống sinh hoạt: bỏ thuốc lá, bia rượu, tránh tiếp xúc hóa chất…
- Nếu có bệnh trào ngược axít dạ dày, cần điều trị ngay.
- Khi khàn tiếng kéo dài > 2-3 tuần điều trị bằng các biện pháp thông thường không hết thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để nội soi thanh quản, vì đôi khi nguyên nhân khàn tiếng có thể là do ung thư thanh quản.
5. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hoặc nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Do cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người, bác sĩ sẽ có phương pháp chẩn đoán, điều trị và cách xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ. Tổng đài tư vấn: (028) 38652225