Bệnh đầu nhỏ ở trẻ em do nhiễm virus Zika nguy hiểm tới mức nào?

benh dau nho virus Zika 3b

Bệnh đầu nhỏ là dị tật bẩm sinh, đầu của trẻ nhỏ bất thường so với kích thước đầu trung bình. Bệnh gia tăng do sự lan rộng của virus Zika hiện nay.

Bệnh đầu nhỏ là dị tật bẩm sinh khi đầu của trẻ nhỏ bất thường so với kích thước đầu trung bình của trẻ cùng độ tuổi và giới tính. Trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ có não bộ nhỏ hơn, phát triển thiếu hụt. Chứng bệnh nguy hiểm này đang trên đà gia tăng cùng với độ lây rộng của virus Zika. Các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng có mối tương quan lớn giữa thai phụ nhiễm virus Zika và em bé sinh ra bị bệnh đầu nhỏ. Công ty TNHH Bệnh viện Thánh Mẫu xin chia sẻ cùng Quý bạn đọc một số kiến thức tổng quan về bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

1. Bệnh đầu nhỏ là gì?

Bệnh đầu nhỏ là tình trạng đầu trẻ sơ sinh nhỏ hơn nhiều so với kích thước thông thường. Khi người mẹ mang thai, đầu của thai nhi phát triển do não bộ của thai nhi phát triển. Chứng đầu nhỏ xuất hiện khi phần não bộ của thai nhi không phát triển đầy đủ trong thai kỳ, hoặc ngừng phát triển sau khi chào đời, dẫn tới kích thước đầu của trẻ sơ sinh mắc bệnh rất nhỏ. Trẻ sơ sinh có thể chỉ bị chứng đầu nhỏ, hoặc mắc thêm một số dị tật bẩm sinh khác.

2. Mối nguy hiểm của bệnh đầu nhỏ

Tùy mức độ nặng, nhẹ của bệnh, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ có thể gặp các vấn đề sau:

  • Trẻ phát triển chậm, chẳng hạn như khó phát triển ngôn ngữ, hay thua kém trong các cột mốc phát triển như giai đoạn ngồi, đứng, tập đi…
  • Chậm phát triển trí tuệ (suy giảm năng lực học tập và thực hiện các chức năng trong sinh hoạt thường ngày)
  • Có vấn đề trong vận động, cân bằng
  • Có vấn đề trong hoạt động nhai, nuốt thức ăn
  • Khiếm khuyết về thính lực
  • Dị tật về mắt

Các vấn đề nêu trên phân chia cấp độ từ thể nhẹ đến nghiêm trọng, và thường kéo dài suốt đời. Những trẻ sơ sinh bị bệnh đầu nhỏ nặng có thể gặp nhiều rắc rối về sức khỏe hơn. Khi trẻ mới chào đời, bác sĩ không thể lường hết nguy cơ bệnh tật, khiếm khuyết mà trẻ bị bệnh đầu nhỏ có thể gặp phải. Do đó, trẻ mắc bệnh cần được thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình phát triển.

benh dau nho virus Zika 3b

Hình mô phỏng cấp độ bệnh (từ trái sang phải): Trẻ bình thường – Trẻ bị đầu nhỏ – Trẻ bị đầu nhỏ nặng.

3. Nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ

Nguyên nhân gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh khó xác định cụ thể. Một số trẻ mắc bệnh do thay đổi trong gene. Một số nguyên nhân khác có thể do sự phơi nhiễm sau đây trong giai đoạn thai nhi:

– Trong thai kỳ mẹ bị lây nhiễm virus rubella, bệnh nhiễm ký sinh trùng toxoplasma, hoặc nhiễm virus cytomegalovirus truyền sang con.

– Giai đoạn bào thai bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.

– Thai phụ bị phơi nhiễm các chất độc hại, như chất cồn, một số loại thuốc, hoặc hóa chất độc hại trong giai đoạn mang bầu.

– Máu cung cấp cho não bộ trẻ bị tắc nghẽn trong quá trình phát triển.

Dị tật đầu nhỏ không phải loại bệnh thường gặp. Năm 2015, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc tật đầu nhỏ tăng đột biến ở Brazil trong những trường hợp bà mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ. Tháng 10/2016, Bộ Y tế (Việt Nam) xác nhận trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở Đăk Lắk trở thành ca bệnh đầu nhỏ do Zika lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, trong bối cảnh virus Zika có nguy cơ lan rộng.

Cho đến nay, các nhà khoa học tuyên bố đã đủ bằng chứng để kết luận, mẹ nhiễm virus Zika lúc đang mang thai có thể truyền cho con, gây nên dị tật đầu nhỏ và các dị tật não nghiêm trọng khác ở thai nhi.

4. Chẩn đoán bệnh đầu nhỏ

Căn bệnh có thể được chẩn đoán trong giai đoạn người mẹ mang thai, hoặc sau khi trẻ chào đời.

– Trong thai kỳ: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ hội chẩn đoán sớm dị tật đầu nhỏ tốt nhất
nên được thực hiện thông qua xét nghiệm siêu âm thai vào cuối kỳ tam cá nguyệt thứ 2, hoặc đầu tam cá nguyệt thứ 3, khoảng tuần thứ 28.

– Sau khi sinh: Trẻ sơ sinh cần được đo kích thước đầu trong vòng 24h sau sinh, so sánh với quy chuẩn phát triển của WHO, trong tương quan với tuổi thai, cân nặng và chiều dài của em bé. Trong trường hợp em bé bị nghi mắc chứng đầu nhỏ, bé cần được thăm khám bởi bác sĩ nhi khoa, làm xét nghiệm scan não, đo kích thước đầu hàng tháng.

5. Phương pháp chữa bệnh đầu nhỏ

Dị tật đầu nhỏ là chứng bệnh mạn tính kéo dài cả đời. Hiện nay, y khoa thế giới chưa tìm ra phương pháp chữa trị cũng như không có phác đồ tiêu chuẩn để trị bệnh này.

Phương pháp trị liệu sẽ tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Những em bé bị bệnh đầu nhỏ thể nhẹ thường không gặp trở ngại gì, ngoài vấn đề kích thước đầu nhỏ hơn trung bình. Các em cần được kiểm tra đều đặn, theo dõi quá trình trưởng thành và phát triển.

Với những em bé mắc chứng đầu nhỏ ở thể nặng, bác sĩ cần chăm sóc và trị liệu những vấn đề sức khỏe đã đề cập ở trên (mục 2) như chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, vận động…

Quý bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về virus Zika, vui lòng đọc bài viết tại đây.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *