Bệnh cúm là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nhiều loại vi-rút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh cúm thường xảy ra theo mùa và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong lịch sử có rất nhiều đại dịch cúm làm chết hàng triệu người. Ngày nay một số đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và một số người mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể gặp nguy hiểm khi bị cúm.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh cúm:
Bệnh cúm do nhiều loại vi-rút cúm gây ra. Các chuyên gia y tế chia các loại vi-rút cúm thành 3 chủng là: vi-rút cúm là A, B và C. Trong đó cúm A và B là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trong thực tế.
- Cúm A thường gặp và là nguyên nhân của nhiều đại dịch lớn trên thế giới.
- Cúm B gây bệnh nhẹ hơn và có xu hướng lưu hành cùng với cúm A trong các đợt bùng phát hàng năm.
- Cúm C gây bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng giống như cảm lạnh.
2. Bệnh cúm lây truyền như thế nào:
Cúm thường lây nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp khi người bệnh hít phải vi-rút có trong các luồng khí từ đường hô hấp của người bị cúm khi người đó ho hay hắt hơi.
Bệnh cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh như tay dính vi-rút qua bắt tay, sử dụng chung điện thoại, remote tivi… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình.
Cúm gia cầm chủ yếu lây từ gia cầm lẫn nhau hoặcđôi khi lây từ gia cầm sang người; còn lây từ người sang người rất hiếm. Hầu hết những người bị bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hay chết hoặc các loài chim hoang dã. Cúm gia cầm thường nặng và có nguy cơ tử vong cao ngay cả với người khỏe mạnh bị nhiễm.
3. Các triệu chứng của bệnh cúm
Chẩn đoán bệnh cúm thường dựa vào triệu chứng (sốt, ho và đau cơ). Triệu chứng có thể rất khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm các triệu chứng sau:
- Sốt (nhiệt độ thường cao hơn 38ºC)
- Nhức đầu và đau cơ
- Mệt mỏi, biếng ăn
- Ho và đau họng cũng có thể gặp
Người bị cúm thường sốt 2-5 ngày. Điều này khác với các bệnh do vi-rút khác của đường hô hấp thường hết sốt sau 24 đến 48 giờ.
Nhiều người bị cúm có sốt và đau cơ và một số người khác có triệu chứng cảm lạnh như chảy mũi và đau họng. Các triệu chứng cúm thường cải thiện sau 2-5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu cơ có thể kéo dài hàng tuần. Cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cúm theo bảng sau:
Triệu chứng |
Cảm lạnh |
Cúm |
Sốt | Hiếm | Thường gặp, sốt cao (trẻ nhỏ) và kéo dài 3 và 4 ngày |
Nhức đầu | Hiếm | Hay gặp |
Đau nhức | Nhẹ | Hay gặp, đau nhiều |
Mệt mỏi, yếu người | Đôi khi | Hay gặp, có thể kéo dài 2-3 tuần |
Kiệt sức | Không | Hay gặp, ngay từ khi bắt đầu bệnh |
Nghẹt mũi | Hay gặp | Đôi khi |
Hắt hơi | Hay gặp | Đôi khi |
Đau họng | Hay gặp | Đôi khi |
Khó chịu ở ngực, ho | Nhẹ – trung bình, ho khan | Hay gặp, có thể nặng |
Cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai. Viêm phổi hay gặp nhất là tình trạng phổi bị nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và những người sống trong viện dưỡng lão hay có mắc một số bệnh khác như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng đến tim và phổi. Viêm phổi cũng hay xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm.
4. Cách phòng ngừa bệnh cúm
a. Cách hạn chế lây lan
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước có thể hạn chế lây truyền cúm. Có thể dùng các loại nước sát trùng thay thế. Khi bị cúm hay chăm sóc người bị cúm thì nên rửa tay thường xuyên hơn.
- Mang khẩu trang hoặc dùng khăn giấy (che cả miệng lẫn mũi) khi ho hay hắt hơi và bỏ giấy này ngay sau khi sử dụng. Có thể ho và hắt hơi vào tay áo để không làm nhiễm bẩn tay cũng là cách hạn chế lây lan.
- Tránh để mắt, mũi và miệng tiếp xúc với mầm bệnh (từ tay nhiễm bẩn).
- Tránh tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh.
- Nếu bạn bị bệnh giống cúm, nên ở nhà ít nhất đến 24 giờ sau khi hết sốt trừ khi phải đi đến nơi khác khi cần thiết.
b. Chích ngừa cảm cúm
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là chích ngừa. Người đã chích ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa chích ngừa.
- Thời điểm chích ngừa: Vì chủng vi-rút cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần chích ngừa cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Nên chích càng sớm càng tốt khi có vaccine của năm đó. Ở bắc bán cầu, cúm thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 4 còn ở nam bán cầu thì mùa cúm là từ tháng 5 đến tháng 10. Ở miền nhiệt đới thì cúm có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Trẻ em phải chích 2 mũi khi tiêm lần đầu. Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm chích mỗi năm một mũi.
- Hiệu quả: Người chích ngừa cúm sẽ tạo ra kháng thể (chất bảo vệ) chống lại vi-rút khi họ bị nhiễm. Cần khoảng 2 tuần để tạo ra kháng thể này và khả năng bảo vệ là 50-80% (tức 50-80% người chích sẽ không bị cúm sau khi chích).
- Loại vaccine: Có 3 loại vaccine: chích bắp thịt, chích dưới da và dạng xịt mũi. Ở Việt Nam chỉ có loại chích bắp thịt. Loại chích bắp thịt (chứa vi-rút chết) là loại phổ biến cho người lớn và trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Loại xịt mũi (chứa vi-rút sống giảm độc lực) chỉ dành cho người khỏe từ 2 tuổi trở lên đến 49 tuổi. Phụ nữ có thai và người có sức đề kháng kém (suy giảm miễn dịch) hay có bệnh mạn tính không nên dùng loại chứa vi-rút còn sống.
- Tác dụng phụ: Tác dụng phụ chủ yếu là ngứa tại chỗ chích. Bệnh nhân bị dị ứng với trứng cần thận trọng khi chích ngừa (vì hầu hết các loại vaccine được chế tạo trong môi trường có trứng) và phải báo cho nhân viên y tế biết về điều này.Các phản ứng phụ khác có thể gặp như đau nhức mình mẩy, nhức đầu, sốt nhẹ (khoảng 38ºC). Các phản ứng này thường nhẹ và tự hết sau 1-2 ngày.
Ai cần chích ngừa cúm? Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm. Những đối tượng sau càng cần phải chích ngừa hơn:
- Người lớn từ 50 tuổi trở lên
- Người sống ở nhà dưỡng lão
- Người có bệnh tim phổi mạn tính bao gồm trẻ bị hen suyễn.
- Người lớn hay trẻ em bị các bệnh tiểu đường hay thận mạn tính
- Người lớn hay trẻ em bị nhiễm HIV hay được ghép tạng
- Trẻ từ 6 tháng đến 18 tuổi phải dùng aspirin lâu ngày
- Phụ nữ có thai trong giai đoạn có mùa cúm
- Những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như nhân viên y tế, người sống chung với người có nguy cơ bị biến chứng do cúm cao.
Ai không nên chích ngừa cúm? Người dị ứng nặng với vaccine, người đang mắc bệnh cấp tính nặng, người có tiền căn Guillain-Barre trong vòng 6 tuần sau khi chích vaccine trước đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi.
5. Lời kết
Trên đây là một số thông tin về bệnh cúm và cách phòng ngừa, điều trị. Nếu Quý bạn đọc còn thắc mắc gì về bệnh này, đừng ngần ngại gọi cho chúng tôi để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn Miễn phí: (028) 3865 2225
Nguồn: Theo hoihohaptphcm.org