Bệnh cúm A/H1N1 có thể gây những biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng và tử vong rất nhanh. Do vậy, người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi nghi ngờ mắc bệnh.
Đã có 3 người tử vong
Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết tính đến chiều 28-6, tại Khoa Bệnh nhiệt đới của BV chỉ còn điều trị 1 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 (đang thở máy) và theo dõi 3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Đây là những người bị nghi lây nhiễm A/H1N1 tại BV Chợ Rẫy từ ngày 11-6, với 12 người qua xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1.
BV Chợ Rẫy cũng vừa công bố thêm một bệnh nhân tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1 tại TP HCM, nâng tổng số tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn TP đến thời điểm này lên 3 người.
Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng qua, ít nhất 2 chùm ca bệnh được ghi nhận tại BV Từ Dũ, Chợ Rẫy và một số ca điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới. Đáng chú ý, các bệnh nhân tử vong đều thuộc đối tượng có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm như lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính (suy thận mạn, đái tháo đường…), cơ địa béo phì và không được chích ngừa trước đó.
Trước tình hình diễn biến cúm A/H1N1 khá phức tạp, ngày 27-6, Sở Y tế TP HCM tổ chức tập huấn tăng cường công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1 cho cán bộ chủ chốt và khoa phòng chức năng có liên quan của các đơn vị y tế trên địa bàn. Ngành y tế TP lưu ý các BV cần hướng đến mục tiêu nếu có bệnh nhân bị nhiễm cúm thì hạn chế tử vong, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Khi có bệnh nhân mắc thì phân loại, cách ly và báo cho cơ quan y tế dự phòng để thực hiện đánh giá, phân loại bệnh, sử dụng thuốc kháng virus.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, đến thời điểm này, nhờ kịp thời triển khai các giải pháp cùng sự hợp tác tốt của người bệnh và thân nhân bệnh nhân nên BV đã kiểm soát, khống chế được chùm bệnh tại Khoa Nội thận của BV sau 9 ngày xuất hiện.
Không được chủ quan
Các chuyên gia dịch tễ nhận định chùm ca cúm vừa qua ở BV Từ Dũ và BV Chợ Rẫy là cúm A/H1N1 xuất hiện năm 2009. Sau 9 năm, cúm A/H1N1 không có sự thay đổi nào, không có sự đột biến về virus gây bệnh, không tăng độc tính, không gây kháng thuốc, chưa tạo chủng cúm virus mới. Vì vậy, cúm A hiện nay không thể gây dịch hoặc đại dịch. Những bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 vừa qua là dạng cúm mùa lưu hành thông thường quanh năm với tỉ lệ tử vong dưới 1%.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, với 3 trường hợp cúm A/H1N1 tử vong trong một thời gian ngắn ở TP HCM, người dân không nên chủ quan khi có dấu hiệu của bệnh cúm. Bởi so với các chủng cúm mùa khác (H3N2 và cúm B), khi nhiễm cúm A/H1N1, bệnh diễn biến thường nặng nề hơn, nhất là những người đang mắc một bệnh lý nền trước đó.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cũng khuyến cáo đa phần người nhiễm virus cúm mùa (A/H1N1, cúm B và A/H3N1) sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần điều trị thông thường. Song, một tỉ lệ nhỏ các trường hợp sẽ diễn biến nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Tình trạng này thường gặp ở những người có đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng và tử vong rất nhanh.
Theo lời khuyên của BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, dù đã có các kỹ thuật mới cứu chữa người bệnh nhưng mọi người không được coi thường bệnh cúm. Khi gặp các triệu chứng lâm sàng như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan…, nếu đến ngày thứ 2-3 mà thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, xét nghiệm máu, chụp phim phổi nhằm xác định có nhiễm cúm hay không. Nếu bệnh tiến triển nặng, cần nhập viện để được điều trị.
Phòng ngừa nhóm nguy cơ lây nhiễm cao
Theo Tổ chức Y tế thế giới, số liệu giám sát cúm mùa từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 2 tuần cuối tháng 5 vừa qua cho thấy trong hơn gần 68.000 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận hơn 2.300 mẫu dương tính với cúm, trong đó gần 70% là cúm A, còn lại là cúm B. Trong các type cúm A chiếm phần lớn là phân type cúm A/H1N1 với 75%, còn lại là cúm A/H3N2, chiếm 25%.
Tại Việt Nam, theo PGS-TS-BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, qua giám sát 4 tháng đầu năm 2018 tại các tỉnh phía Nam, các trường hợp mắc cúm, kiểu cúm A/H1N1 chiếm đến 65%. Vì thế, ông Lân khuyến cáo cần tập trung phòng ngừa với các đối tượng nguy cơ cao.
Nguồn: NGUYỄN THẠNH – NGỌC DUNG (Báo NLĐ)