Nhiều người nổi mụn chút xíu lên mặt nghĩ là mình bị nóng gan. Có người uống rượu nhiều rồi ăn uống đầy hơi, khó tiêu thì nghĩ mình gan yếu,… Từ những suy nghĩ đó, không ít bà con đã tự ý mua các thuốc gọi là bổ gan hay còn gọi mát gan, giải độc gan để trị… bệnh gan. Dùng tùy tiện các loại giải độc gan như thế có đúng?
Hiểu đúng về bệnh gan
Ta cần biết gan là cơ quan đặc biệt, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng và phức tạp. Một chức năng quan trọng của gan là giải độc. Nhu mô gan thường xuyên lọc ra khỏi cơ thể những chất độc trong máu bằng cách chuyển hóa, biến đổi chúng hết độc rồi thải loại qua đường mật hay đường tiểu.
Do thường xuyên xử lý chất độc nên gan có thể bị nhiễm độc thể hiện ở chỗ nhu mô gan bị tổn thương và được gọi là viêm gan. Viêm gan có thể do nhiễm độc (do sử dụng thuốc lâu dài, do dùng bia rượu dài ngày) nhưng nguyên nhân thường gặp nhất ở ta hiện nay là viêm gan do nhiễm siêu vi (viêm gan siêu vi A, B và C).
Khi tế bào gan bị viêm, bị tổn thương, các men gan như ALT (còn được ghi SGPT) và AST (SGOT) từ gan phóng thích vào máu nhiều hơn so với bình thường.
Vì vậy, khi xét nghiệm thấy men gan ALT và AST tăng lên thì đó là dấu hiệu cho biết tình trạng viêm, tổn thương gan. Trong thời gian điều trị viêm gan, nếu các men gan giảm xuống đến mức bình thường thì xem như tình trạng bệnh được cải thiện.
Khi gan bắt đầu bị tổn thương thì người bệnh có thể có nhiều triệu chứng. Có triệu chứng ở ngay gan như khi siêu âm cho biết bị gan nhiễm mỡ nhưng cũng có triệu chứng ở cơ quan khác như khó tiêu, đầy bụng, rối loạn bài tiết mật, thậm chí bị phù chân, trí não lú lẫn, hôn mê (gọi là bệnh não do gan hay hôn mê gan).
Cẩn thận chế phẩm chưa thử nghiệm lâm sàng
Thuốc bổ gan hay mát gan, giải độc gan, hoặc thuốc giúp hạ men gan được phân loại vào nhóm thuốc gọi là thuốc hướng gan (hepatotropes). Thuốc hướng gan là thuốc có tác dụng hỗ trợ trị các triệu chứng rối loạn ở gan, trong đó có tác dụng bảo vệ nhu mô gan hoặc giúp làm hạ men gan.
Cần lưu ý, các thuốc loại này không trị khỏi bệnh viêm gan siêu vi (tức là không tiêu diệt được siêu vi B, C) mà chỉ hỗ trợ giúp làm giảm men gan trở lại mức bình thường.
Đặc biệt, có một số không phải là thuốc mà là chế phẩm “thực phẩm chức năng” được giới thiệu là bổ gan, làm hạ men gan, có một số chỉ dựa vào thử nghiệm dược lý (tức thử trên súc vật thí nghiệm) chứ chưa được thử nghiệm lâm sàng để cho kết quả cụ thể rõ ràng.
Không tự ý dùng thuốc bổ gan
– Người đã được xác định bị nhiễm viêm gan siêu vi B, C, hoặc viêm gan do rượu phải được bác sĩ khám trực tiếp chỉ định dùng thuốc. Không nên tự ý dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt không nên tự ý sử dụng thuốc bổ gan mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Dùng thuốc bừa bãi sẽ làm cho thương tổn vốn có ở gan nặng thêm thôi.
– Người tình cờ phát hiện mình có tăng men gan (như được xét nghiệm máu đánh giá các chỉ tiêu khác như đo mỡ trong máu, đường glucose trong máu… và đo thêm men gan) cũng nên hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc hạ men gan. Nên lưu ý khi dùng một số thuốc có thể làm tăng men gan (như dùng thuốc trị rối loạn mỡ trong máu), nếu ngưng thuốc sẽ làm men gan trở lại bình thường. Khi đang dùng thuốc bị tăng men gan phải báo cho bác sĩ điều trị biết hầu có hướng xử trí thích hợp.
Hiện nay trên thị trường có lưu hành các chế phẩm thực phẩm chức năng gọi là bổ gan, giúp hạ men gan. Tuy nhiên, chế phẩm thực phẩm chức năng được xem không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Nếu đang được bác sĩ khám chữa bệnh, nhất thiết phải hỏi bác sĩ về việc dùng chế phẩm thực phẩm chức năng nào đó có được hay không.
Nguồn: PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC