Bác sĩ giải đáp về bệnh sốt xuất huyết

benh sot xuat huyet denuge giai dap thac mac
benh sot xuat huyet denuge giai dap thac mac

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với các tuýp virus Dengue khác nhau.

benh sot xuat huyet denuge giai dap thac mac
Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối.

1. Bệnh sốt xuất huyết dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt.

Muỗi vằn Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Những người sống ở vùng có loại muỗi này dễ mắc bệnh sốt xuất huyết dengue. Việt Nam là một nước nằm trong vùng có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

2. Các đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết

2.1. Lây bệnh do bị muỗi vằn đốt là đường lây phổ biến nhất

Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái sau khi đốt hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang virus Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (Người lành mang virus), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa virus vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối. Chúng thường cư trú tại góc tối trong nhà, trên quần áo và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn sinh sản, đẻ trứng ở những vùng có nước đọng như: ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 0 C. Nhiệt độ cao thì khả năng sinh sản của muỗi tăng lên.

Sự phát triển tồn tại của virus trong cơ thể muỗi vằn: muỗi vằn cái hút máu người bệnh nhiễm virus dengue, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Sau đó virus đến cư trú tại tuyến nước bọt của muỗi. Lúc này chúng có thể gây bệnh sốt xuất huyết trong suốt thời gian sống còn lại, vì thế chỉ cần một con mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho nhiều người.

2.2. Các đường lây truyền ít gặp

Lây truyền tại bệnh viện: Virus có thể bị lây truyền qua các chế phẩm máu, phơi nhiễm với tổn thương do kim tiêm, tổn thương niêm mạc. Người cho máu không có triệu chứng cũng có thể mang virus dengue trong máu.
Lây truyền dọc: Một số trường hợp người mẹ mang virus dengue trong máu (mắc bệnh trong vòng 10 ngày trước sinh) có thể truyền virus cho con khi sinh. Bệnh có thể biểu hiện ở trẻ sơ sinh khi trẻ được 4-11 ngày tuổi.

3. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là bao lâu?

Giai đoạn ủ bệnh là khoảng thời gian từ sau khi bị muỗi nhiễm virus đốt đến khi có triệu chứng đầu tiên. Giai đoạn này thường khoảng 4 đến 7 ngày, có thể kéo dài đến 14 ngày. Trong giai đoạn này người bệnh vẫn khỏe mạnh và không biểu hiện triệu chứng gì, nhưng khoảng 12-18h trước khi có triệu chứng sốt thì người bệnh đã có thể là nguồn lây bệnh.

4. Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dengue có thể nhẹ hay nặng tùy theo từng người bệnh, có thể là:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Đau nhức 2 hố mắt
  • Đau mỏi cơ và khớp
  • Mệt mỏi nhiều
  • Phát ban
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy
  • Ho, đau họng
  • Ban xuất huyết dưới da
  • Mắt đỏ
  • Sưng hạch
  • Một số người bệnh có thể có triệu chứng nặng: đau bụng, chướng bụng, nôn ra máu, chảy máu mũi, phân đen, co giật, kinh nguyệt đến sớm, số lượng nhiều hoặc kéo dài.

5. Sốt xuất huyết ngày thứ mấy là nguy hiểm nhất?

Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn sốt
  • Giai đoạn nặng
  • Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện sau:

  • Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, gây tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
  • Xuất huyết:
    • Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
    • Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
    • Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng.
    • Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

6. Sốt xuất huyết: đã mắc rồi có mắc lại nữa không?

Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút dengue gây nên. Vi rút dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nhiễm 1 trong 4 loại virus này sẽ có được miễn dịch lâu dài với chính loại virus đó, nhưng ít có miễn dịch với các loại virus khác. Do vậy người bệnh vẫn có thể nhiễm bệnh lần khác. Những người đã từng mắc bệnh sốt xuất huyết dengue, nếu lại mắc bệnh lần nữa thì có nguy cơ mắc các triệu chứng nặng hơn.

7. Tôi có cần đi khám bác sĩ không?

Có. Vì bạn đang sống trong vùng dịch sốt xuất huyết, cần đi khám bác sĩ nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào của bệnh sốt xuất huyết.

8. Tôi có thể làm gì để cải thiện tình trạng bệnh nếu bị sốt xuất huyết dengue?

Có. Nếu bác sĩ thấy bạn không cần nằm viện, bạn có thể điều trị tại nhà, nghỉ ngơi, và uống đủ nước. Bạn có thể dùng thuốc Acetaminophen (tên thương mại: Panadol, Efferalgan, Paracetamol…) để hạ sốt và giảm đau.

Tuyệt đối không dùng Aspirin và các thuốc giảm đau nhóm NSAID như Ibuprofen (tên thương mại: Gofen, Hagifen…) vì các thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu.

Nguồn: Theo Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy – Bác sĩ chuyên khoa gan mật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *