Bong gân là một tai nạn dễ xảy ra trong quá trình sinh hoạt, làm việc hay chơi thể thao… Bong gân nếu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến xơ hóa dây chằng, gây đau mạn tính, khó khăn trong vận động.
1. Bong gân là gì?
Bong gân là tổn thương dây chằng do sự kéo giãn quá mức, dây chằng có thể bị rách hoặc có thể đứt hoàn toàn. Bong gân thường xảy ra ở khớp cổ tay, cổ chân, vai, khuỷu tay.
Bong gân được chia ra 3 cấp độ:
- Cấp độ 1 – Nhẹ: Dây chằng chỉ bị giãn một ít;
- Cấp độ 2 – Nặng: Dây chằng bị rách một phần;
- Cấp độ 3 – Rất nặng: Dây chằng bị đứt hoàn toàn.
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ bị bong gân
Những yếu tố dưới đây có thể khiến bạn dễ bị bong gân hơn:
- Thế chất kém: Tình trạng thể chất kém khiến các cơ yếu và có nhiều khả năng bị các thương tích.
- Mệt mỏi: Cơ bị mệt mỏi ít có khả năng cung cấp sự hỗ trợ tốt cho các khớp. Khi mệt mỏi cũng có nhiều khả năng không chịu được những áp lực có thể gây căng thẳng cho khớp hoặc làm căng cơ;
- Khởi động không đúng: Nên làm nóng cơ thể đúng cách bằng cách thư giãn cơ bắp và làm tăng khả năng vận động của khớp trước khi hoạt động thể thao, giúp cơ bớt căng cứng và ít nguy cơ chấn thương cũng như bị rách cơ;
- Điều kiện môi trường: Các bề mặt trơn trượt hoặc không đều có thể khiến dễ bị thương tích hơn;
- Thiết bị hỗ trợ kém: Giày dép không vừa hoặc không đảm bảo chất lượng, hoặc các thiết bị thể thao không thích hợp có thể góp phần làm căng cơ hoặc bong gân.
3. Những điều cần lưu ý khi xử lý bong gân
Lâu nay, nhiều người vẫn truyền miệng nhau để thực hiện đó là chườm nóng, xoa dầu nóng… vào chỗ bong gân, đây là việc làm sai lầm. Nếu sau khi bị bong gân, chúng ta chườm nóng, bóp dầu, bóp rượu hay thuốc sẽ làm tình trạng chảy máu nặng hơn. Người bệnh sau khi thấy đỡ đau do chườm nóng thì nay bị đau gấp nhiều lần do máu chảy nhiều hơn, phản ứng viêm nặng hơn. Khớp sưng nề lại càng sưng hơn do sự hồi lưu máu kém đi. Hậu quả là nhiều khi bong gân cổ chân mà phải mất đến gần nửa năm mới về bình thường. Tuyệt đối không xoa bóp bất kỳ thứ gì dù là mật gấu chính danh. Các phương pháp dân gian như chườm lá, bóp muối… là nên tránh.
Giải pháp xử lý đúng là sau khi bong gân dù nặng hay nhẹ cũng nên chườm lạnh ngay tức thì dù lúc này chườm lạnh làm bệnh nhân hơi khó chịu. Tránh không cho nước đá tiếp xúc trực tiếp lên da có thể gây bỏng lạnh. Băng ép bằng cách dùng băng thun băng nhẹ nhàng, không ép quá cũng không lỏng quá. Kê cao chi bằng cách nằm gác chân lên gối ôm khoảng 10cm là vừa, nếu ngồi thì chân kê cao ngang hông (khung chậu). Mục đích không để máu dồn xuống chân làm sưng chân. Sau đó nên đi khám để được tư vấn xử trí tiếp, giúp bong gân nhanh khỏi.
Lưu ý: Để hạn chế bong gân, chị em (nhất là phụ nữ ngoài 40 tuổi) không nên đi giày cao gót quá 7cm lại vừa chật, sẽ làm bàn chân co duỗi không thoải mái, dễ bị bong gân, lật mắt cá chân và sẽ lâu lành, vì khi càng lớn tuổi, tình trạng cơ xương khớp không còn được chắc chắn như khi trẻ.
Nguồn: TH