Theo thực tế khám và điều trị ở PKĐK Thánh Mẫu ghi nhận, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân tới khám được chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay đang có xu hướng ngày càng tăng. Dưới đây là bài hướng dẫn cách tự xoa bóp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị hội chứng ống cổ tay, Quý vị có thể thực hiện ngay tại nhà.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa (tên khoa học: Carpal tunnel syndrome, trong đó carpal tunnel có nghĩa là cườm tay hay ống cổ tay) viết tắt tiếng Việt: HCOCT.
Đây là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên thường gặp, nhất là ở phụ nữ. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong đó có nguyên nhân nghề nghiệp và rất thường gặp ở những người làm việc văn phòng, thường xảy ra khi làm việc bằng tay liên tục duy trì ở một tư thế cố định nào đó trong một thời gian dài.
Nhận biết hội chứng ống cổ tay
Khi mắc bệnh, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như: đau, tê bàn tay ảnh hưởng đến ngón cái, trở, giữa và ngón đeo nhẫn. Thông thường, bệnh sẽ xuát hiện nhiều vào ban đêm khi ngủ đè một bên người hoặc tư thế gập cổ tay, tê tay.
Bệnh khi ở mức độ trung bình, người bệnh sẽ bị tê tay khi cầm nắm và khi thả lỏng duỗi bàn tay thì sẽ hết tê.
Trường hợp khi bệnh sẽ mức độ nặng thì người bệnh sẽ bị tê bàn tay liên tục, kể cả khi bàn tay không cầm nắm. Không những thế, có một số trường hợp người bệnh cầm nắm đồ vật yếu, đánh rơi đồ vật và bắp thịt gò cái bị teo, liệt cơ vùng mô cái.
Hướng dẫn tự xoa bóp phòng và điều trị hội chứng ống cổ tay
Dưới đây là 3 vận động cơ bản mà bạn có thể làm bất cứ lúc nào trong ngày. Các động tác duỗi và các bài tập đơn giản, không đòi hỏi bất cứ một thiết bị nào. Bạn có thể tập tại bàn giấy, khi xếp hàng hoặc bất cứ lúc nào bạn có thể. Vì các vấn đề của ống cổ tay có thể phòng được bằng cách tập duỗi nhiều lần trong ngày nên bạn có thể bảo vệ cho cổ tay bạn chỉ từ ít phút mỗi ngày với những động tác đơn giản dưới đây:
1. Động tác “nhện hít đất” nhìn trong gương
Nhớ rằng tập đi tập lại nhiều lần là động tác duỗi lớn nhất cho các bàn tay của bạn:
- Bắt đầu bằng ép hai bàn tay vào nhau như ở tư thế cầu nguyện.
- Dang các ngón tay xa nhau như có thể, sau đó xếp các ngón tay thành hình tháp chuông bằng cách đưa xa ra hai gan bàn tay, nhưng chụm các ngón với nhau.
2. Rung lắc, “giũ tung” hai bàn tay
- Bàn tay vẫy tựa như “giũ tung” các ngón tay cho khô sau khi vừa rửa tay.
- Mỗi giờ vẫy một hay hai lần, làm cho các gân gấp ngón tay và dây giữa khỏi bị bóp chặt, tù túng về ban ngày, tựa như bạn được rửa tay thường xuyên.
3. Động tác căng duỗi sâu nhất
Động tác sau cùng này là sự căng duỗi sâu nhất của bài tập:
- Tay đưa thẳng ra trước, khuỷu tay thẳng, cổ tay mở rộng và các ngón tay nhìn xuống dưới.
- Các ngón dang nhẹ và dùng bàn tay kia để gấp nhẹ nhàng cổ tay xuống dưới, căng duỗi cổ tay và các ngón càng nhiều càng tốt.
- Khi bạn cảm thấy cổ tay đạt được độ linh hoạt mềm dẻo tối đa, giữ tư thế này trong khoảng 20 giây.
- Xoay nhanh các bàn tay và làm lặp lại.
Làm động tác này 03 lần cho mỗi bên và cố gắng làm mỗi giờ. Mỗi ngày tập nhiều lần, cổ tay bạn sẽ trở nên mềm dẻo sau vài tuần lễ.
Lời kết
Trên đây là bài hướng dẫn tự xoa bóp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị về Hội chứng ống cổ tay. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho Quý vị trong việc phòng và điều trị căn bệnh khá phổ biến này.
Nhớ rằng tập căng duỗi mỗi ngày là một phần quan trọng cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn cũng đừng chỉ hạn chế tập theo bảng danh mục này. Căng duỗi làm cho mọi bộ phận của cơ thể được tăng tưới máu, tăng vận động và có được sự linh hoạt.
Nếu bạn có các thắc mắc cần giải đáp về Hội chứng ống cổ tay hay phương pháp điều trị Hội chứng ống cổ tay, bạn đừng ngần ngại gọi điện tới số Tổng đài tư vấn của Phòng khám đa khoa – Công ty TNHH Bệnh Viện Thánh Mẫu để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể: (028)38652225
Nguồn tham khảo: ThS.BS. TRẦN NGUYỄN PHƯƠNG
(Khoa Chấn thương chỉnh hình BV. ĐHYD TP.HCM)