Bé gái 9 tháng tuổi đang tập đi bằng xe nôi, nắm vào bóng đèn trên bàn thờ ông địa, bị điện giật ngất lịm. Tai nạn xảy ra vào ngày 2/8/2020 tại Bến Tre.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi tối 2/8 trong tình trạng co giật, hôn mê, bỏng nặng.
Tai nạn xảy ra ở Bến Tre lúc sáng cùng ngày khi bé bất ngờ chạm tay vào chuôi bóng đèn đang có điện. Mẹ bé phát hiện thì bệnh nhi đã ngất đi, tay trái có vết bỏng, còn cầm chuôi bóng. Người mẹ ngắt điện đưa bé đến bệnh viện huyện gần đó cấp cứu.
Bệnh nhi được cấp cứu ấn tim và bóp bóng qua mặt nạ mũi miệng khoảng 30 phút. Bé thở lại và được chuyển sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Bến Tre. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục sơ cứu rồi chuyển tiếp đến tuyến trên.
Ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ được hỗ trợ hô hấp chống co giật, chống phù não bằng mannitol 20% và Natri chlorua 3%, điều chỉnh rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, chăm sóc vết thương bỏng điện ở tay trái.
Đặc biệt, khi bé qua cơn nguy kịch, các bác sĩ nhanh chóng đưa bé vào nằm lồng oxy cao áp trong một giờ để ngăn chặn các tổn thương não nặng hơn do điện giật gây ra. Thiết bị này chứa oxy nhân tạo, áp lực cao gấp 2 lần so với môi trường thông thường. Nhờ đó, lượng oxy hòa tan trong máu bệnh nhi được hấp thụ tối đa, luân chuyển đi khắp cơ thể, đặc biệt là lên não.
“Lượng oxy này giống như một chiếc chổi, quét hết những hóa chất trung gian gây viêm, những gốc tự do hóa học sinh ra khi luồng điện đi vào cơ thể. Oxy giúp sửa chữa, phục hồi những tổn thương và chức năng não do phù nề, thiếu máu cho bé”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Nhờ cứu chữa kịp thời, tình trạng trẻ cải thiện hết gồng giật, tri giác phục hồi dần, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, nhận biết tốt, khỏe mạnh, được xuất viện về nhà.
[box type=”info” radius=”5″]
Bác sĩ Tiến đặc biệt lưu ý phụ huynh: “Tai nạn điện giật ở trẻ em rất thường gặp. Phụ huynh cần chủ động đậy kín các ổ điện trong nhà, các chuôi bóng đèn hư phải được thay thế tránh cho trẻ sờ chạm phải, gây giật điện”.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lồng oxy cao áp đã nhiều lần cứu các em nhỏ bị phù não do đuối nước, chấn thương sọ não, điện giật, hay hỗ trợ điều trị hoại tử do bị rắn cắn, tai nạn, viêm loét do tì đè.
[/box]
Nguồn: Thư Anh (VnExpress)