Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

sot xuat huyet 3 TM

Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp. Người bệnh nên trang bị kiến thức căn bản về triệu chứng, các giai đoạn diễn biến của bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp đầy đủ theo các giai đoạn sau hoặc ít hơn. Người bệnh nên trang bị kiến thức căn bản về triệu chứng, các giai đoạn diễn biến của bệnh sốt xuất huyết, để có thể phân biệt, theo dõi, hợp tác điều trị hoặc tìm đến hỗ trợ y tế kịp thời.

Giai đoạn 1: Ủ bệnh

Sau khi bị muỗi mang virus dengue đốt, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể người từ 3 đến 14 ngày trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Bệnh gây nên bởi virus dengue, nên có tên là Sốt xuất huyết dengue, ở Việt Nam gọi tắt là Sốt xuất huyết.

Giai đoạn 2: Người bị sốt xuất huyết có các triệu chứng như bị mắc thể bệnh Sốt dengue (cũng do virus dengue gây ra).

Căn bệnh thường phát ra đột ngột, với một số dấu hiệu như đau nhức đầu dữ dội, ớn lạnh, đau lưng. Người bệnh cảm thấy đau nhức hốc mắt khi chuyển động con ngươi, liếc mắt. Cảm giác đau nhức chân, xương khớp sẽ xuất hiện trong vài giờ đồng hồ phát bệnh đầu tiên.

Người bệnh bị sốt, từ sốt nhẹ tới sốt cao 40° C, nhịp tim tương đối chậm, huyết áp thấp, có thể bị phát ban.

Sau 3-5 ngày sốt cao, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn sốt xuất huyết nặng hơn.

Giai đoạn 3:

Sau vài ngày có biểu hiện giống sốt dengue (như trên), người bệnh cảm thấy bứt rứt trong người, mệt mỏi và toát nhiều mồ hôi. Cơn sốt cao có thể lên tới 41°C, trong khoảng từ 2-7 ngày, có thể đi kèm biểu hiện co giật và các biến chứng khác.

Hiện tượng đau dạ dày cũng có thể xuất hiện, với cảm giác đau bụng quằn quại, buồn ói, nôn, hoặc tiêu chảy. Da tái. Mệt mỏi, khó ngủ.

Các hạch bạch huyết ở cổ và vùng háng thường bị sưng. Ở một số ca bệnh, hiện tượng này lan khắp toàn thân.

Hiện tượng xuất huyết chia thành xuất huyết ngoài da, xuất huyết niêm mạc, và xuất huyết tiêu hóa. Xuất huyết ngoài da là hiện tượng có các đốm đỏ xuất huyết dưới da, vết bầm tím tự nhiên hoặc bầm tím quanh vết tiêm, thường xuất hiện ở mặt trước cẳng chân, trong cẳng tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Xuất huyết niêm mạc biểu hiện qua chảy máu chân răng, chảy máu cam, người bệnh có thể đi tiểu ra máu… Xuất huyết tiêu hóa là khi người bệnh nôn ra máu, đi đại tiện ra máu (phân đen).

Trong trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ, các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau khi cơn sốt lui. Trong các trường hợp nặng, tình trạng sẽ tệ hơn sau vài ngày sốt. Nhiệt độ cơ thể giảm, khó thở. Lúc này, người bệnh có khả năng khỏi bệnh hoặc tiến vào giai đoạn 4.

sot xuat huyet 3 TM

Giai đoạn 4: Hội chứng sốc Dengue được xác định bao gồm triệu chứng của sốt xuất huyết và các biểu hiện như mạch nhanh và yếu, chân tay lạnh toát, mệt li bì hoặc vật vã.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh sốt xuất huyết, người bệnh không nên tự ý điều trị bằng thuốc. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nhưng biểu hiện bệnh nhẹ hơn, dễ bị chẩn đoán nhầm sang cúm, sốt chikungunya, hoặc loại bệnh viêm nhiễm virus khác khi không có biểu hiện xuất huyết/phát ban. Ở giai đoạn sốt xuất huyết hoặc hội chứng sốc, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế sát sao, đề phòng biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

Nếu Quý bạn đọc cần tìm hiểu thêm về bệnh sốt xuất huyết, vui lòng liên hệ PKĐK, công ty TNHH Bệnh viện Thánh Mẫu để được tư vấn miễn phí.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *