5 câu hỏi thường gặp về virus Zika gây teo não

muoi van truyen benh Zika

Virus Zika gây ra những bệnh gì, lây truyền qua đường nào, tồn tại trong cơ thể người bao lâu… là những câu hỏi phổ biến của người dân.

Virus Zika gây ra những bệnh gì, lây truyền qua đường nào, tồn tại trong cơ thể người bao lâu… là những câu hỏi phổ biến của người dân. Công ty TNHH, Bệnh viện Thánh Mẫu sẽ cùng Quý bạn đọc tìm hiểu sâu hơn về virus đang là “điểm nóng” của y khoa thế giới này.

1. Nguồn gốc của virus Zika

Virus Zika là virus thuộc họ Flaviviridae, được phát hiện lần đầu ở loài khỉ tại Uganda vào năm 1947. Virus này được đặt tên theo khu rừng Zika Forest của nước này. Một năm sau, loại muỗi Aedes (hay còn gọi là muỗi vằn) được phát hiện mang mầm bệnh này.

Từ những năm 1960 đến những năm 1980, trường hợp nhiễm virus Zika ở người bắt đầu xuất hiện từ châu Phi tới châu Á.

Năm 2007, ổ dịch lớn đầu tiên nổ ra ở Đảo Yap (Tây Thái Bình Dương). Trong đợt dịch 2013-2014 ở Polynesia (thuộc Pháp), virus Zika bị nghi ngờ là nguyên nhân dẫn tới hội chứng rối loạn thần kinh Guillain-Barre ở người.

2. Vì sao virus Zika nguy hiểm?

Tuy nhiên, đến tận tháng 7/2015, khi Brazil tuyên bố có mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ ở thai nhi, virus này mới trở thành tâm điểm của thế giới. Đường lây truyền phổ biến và đơn giản nhất tương tự như bệnh sốt xuất huyết là từ muỗi vằn sang người.

Sở Y tế nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia, trước sự gia tăng bất thường trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ nếu người mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ. Đến nay, Brazil đã xác nhận hơn 2.000 ca dị tật đầu nhỏ liên quan tới Zika, trong khi còn hơn 3.000 ca chờ xác minh nguồn gốc gây bệnh.

Bệnh đầu nhỏ là dị tật bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn, sẽ đi theo đứa trẻ đến hết đời. Em bé mắc bệnh có kích thước đầu nhỏ hơn so với trẻ bình thường cùng độ tuổi và giới tính. Căn bệnh kéo theo hàng loạt các hệ lụy sức khỏe khác như chậm phát triển trí não, thể năng, hay dị tật mắt, giảm thính lực…, cần có sự theo dõi đều đặn và hỗ trợ chữa trị của chuyên gia y tế.

Đến tháng 11/2016, 73 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã xác nhận một trường hợp bé gái 4 tháng tuổi mắc bệnh đầu nhỏ do Zika ở Đăk Lăk.

3. Chỉ phụ nữ có thai cần lo lắng về Zika?

Câu hỏi đặt ra là, nếu bạn không phải phụ nữ có thai, bạn có cần lo lắng về Zika? Hiện nay, một số nghiên cứu khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa virus Zika và Hội chứng thần kinh gây yếu, liệt cơ Guillain-Barre ở người, và khả năng gây vô sinh nam giới.

4. Virus Zika lây truyền dễ dàng?

Virus Zika có 4 đường lây truyền đã được xác nhận là truyền qua đường muỗi đốt, truyền từ mẹ sang con, truyền qua đường máu (truyền máu) người sang người, truyền qua đường quan hệ tình dục.

Trong đó, đường truyền từ vật mang mầm bệnh là muỗi vằn là yếu tố lan truyền nhanh nhất vì loại muỗi này gần như có mặt ở khắp các châu lục. Chính vì vậy, các ca bệnh nhiễm Zika không chỉ lan nhanh, khó phong tỏa ở vùng dịch, mà còn mở rộng xuyên biên giới thông qua khách du lịch từ vùng dịch trở về nước.

muoi van truyen benh Zika

Muỗi vằn là thủ phạm truyền virus Zika chủ yếu.

5. Virus Zika tồn tại trong cơ thể người bao lâu?

Cách hiểu phổ biến nhất của người dân về đường lây truyền của virus gây teo não là từ muỗi vằn mang mầm bệnh truyền cho người bị đốt.

Trên thực tế, bạn có thể kinh ngạc về khả năng “sống dai” của virus Zika trong cơ thể người, kể cả trong trường hợp người đó đã khỏi các triệu chứng. Từ đó tăng nguy cơ lây nhiễm qua các con đường khác như từ mẹ sang con, từ người-người qua quan hệ tình dục, qua đường truyền máu.

Virus Zika có thể tồn tại từ 7-10 ngày trong máu, nhưng tận 6 tháng trong tinh dịch. Ngoài ra, virus này còn trú ngụ trong mô não phôi thai, nhau, nước ối. Các nhà khoa học cũng phát hiện sự hiện diện của virus Zika trong sữa mẹ, nước bọt và nước tiểu, nhưng chưa có trường hợp nào lây nhiễm Zika qua các đường này.

 

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *