Virus Zika là gì? Triệu chứng và cách phòng chống virus Zika

benh dau nho virus Zika 2

Virus Zika là virus lây truyền từ muỗi Aedes (muỗi vằn), đồng thời cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Virus Zika gây bệnh sốt Zika, dẫn tới dị tật đầu nhỏ ở thai nhi.

Thời gian gần đây, Phòng khám Đa khoa, công ty TNHH Bệnh viện Thánh Mẫu nhận được rất nhiều câu hỏi của khách hàng, bày tỏ lo lắng về tình trạng lan rộng của virus Zika. Chúng tôi xin chia sẻ cùng Quý bạn đọc một số kiến thức cần thiết về virus Zika và bệnh do Zika gây ra. Virus Zika là virus lây truyền từ muỗi Aedes (hay còn gọi là muỗi vằn), đồng thời cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Virus Zika gây bệnh sốt Zika, với các dấu hiệu lâm sàng nhẹ như sốt, phát ban, đau khớp… kéo dài một tuần. Với các thai phụ, Zika là dịch bệnh gây nhiều hoang mang vì khả năng gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi.

1. Virus Zika là gì?

Virus Zika được phát hiện lần đầu trên loài khỉ ở Uganda vào năm 1947, và ở muỗi Aedes (muỗi vằn) năm 1948. Sau đó, virus này xuất hiện ở một số nước châu Phi và châu Á. Năm 2015, ổ dịch Zika bùng phát ở Brazil bị hoài nghi là nguyên nhân dẫn tới gia tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ.

Đến tháng 11/2016, 73 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có Việt Nam. Ngày 3/11/2016, TP.HCM thành lập ủy ban chống dịch sau khi xuất hiện tổng cộng 30 ca nhiễm bệnh.

2. Đường lây truyền của virus Zika

– Truyền từ muỗi sang người: Muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người bị nhiễm virus Zika sẽ mang mầm bệnh, sau đó lại đốt và lây truyền sang người khác. Đặc điểm nhận dạng loại muỗi này là màu đen, thân và chân có đốm trắng. Muỗi vằn còn gây bệnh sốt xuất huyết, vốn là loại bệnh phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt bùng phát vào mùa mưa, thời tiết ẩm.

– Truyền từ người sang người: Trên thế giới đã ghi nhận một số ca nhiễm virus Zika qua đường quan hệ tình dục.

– Truyền từ mẹ sang con: Thai phụ nhiễm virus Zika trong thai kỳ có thể truyền cho bào thai. Khi sinh ra, đứa trẻ có nguy cơ bị bệnh đầu nhỏ hoặc các biến chứng não, phát triển nguy hiểm khác.

– Truyền qua đường máu: CDC (Ủy ban Kiểm soát và Phòng chống bệnh dịch của Mỹ) cảnh báo khả năng lây truyền virus Zika thông qua đường truyền máu. Tuy nhiên, nguy cơ này chưa được khẳng định hoàn toàn.

benh dau nho virus Zika 2

Một em bé mắc bệnh đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.

3. Triệu chứng nhiễm virus Zika

Khoảng 75-80% người nhiễm Zika không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Thời gian ủ bệnh từ 2-12 ngày. Giới y học đã ghi nhận các dấu hiệu lâm sàng dưới đây:

– Sốt nhẹ 37,8 – 38,5 độ.

– Phát ban

– Đau nhức khớp bàn tay, bàn chân.

– Mắt đỏ, đau nhức hốc mắt.

– Mệt mỏi, suy nhược

Một số biểu hiện khác bao gồm đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Người nhiễm có thể không có đầy đủ các dấu hiệu nói trên, hoặc không cảm thấy ốm đủ nặng tới mức phải nhập viện. Các triệu chứng có thể tự hết sau một tuần. Người từng nhiễm Zika và khỏi bệnh ít có khả năng tái nhiễm trong tương lai.

4. Tác hại của Zika

– Phụ nữ bị nhiễm Zika trong thai kỳ có thể dẫn tới dị tật về não cho bào thai. Đứa trẻ sinh ra có thể bị bệnh đầu nhỏ, tức là kích thước đầu nhỏ hơn so với em bé bình thường cùng tuổi và giới tính. Căn bệnh này làm chậm phát triển thần kinh. Nghiên cứu 35 trẻ sơ sinh đầu nhỏ có mẹ mắc Zika trong thai kỳ ở Brazil (2015) cho thấy một số trường hợp mắc hội chứng não mịn, hoặc hạn chế vận động khớp bẩm sinh.

Trẻ nhiễm virus Zika trước khi sinh cũng có thể mắc một số dị tật về mắt, thính lực, phát triển khiếm khuyết. Hiện nay, nghiên cứu về hậu quả bệnh gây ra bởi virus Zika đối với trẻ sơ sinh vẫn cần thêm thời gian để nghiệm chứng và hoàn thiện.

– Hội chứng Guillain-Barre: Một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy có sự liên quan giữa virus Zika và một số bệnh nhân mắc bệnh thần kinh. Hội chứng Guillain-Barre là hội chứng trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào hệ thần kinh, gây yếu cơ, tê liệt thần kinh.

– Vô sinh ở nam giới: Thí nghiệm của Mỹ lên loài chuột chỉ ra khả năng virus Zika gây teo tinh hoàn, giảm lượng tinh trùng ở loài chuột. Tuy nhiên, liệu virus Zika có gây vô sinh ở nam giới hay không chưa được khẳng định, cần theo dõi thêm.

5. Làm gì khi nhiễm Zika?

Trong khi chờ các nhà khoa học nghiên cứu thuốc đặc trị, người nhiễm Zika có thể điều trị theo triệu chứng như sau:

– Tới bệnh viện làm xét nghiệm để xác định bệnh. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện giống sốt xuất huyết nhưng kết quả xét nghiệm là âm tính, cần tính ngay đến khả năng nhiễm Zika.

– Nghỉ ngơi nhiều.

– Uống nhiều nước đề phòng mất nước.

– Uống thuốc giảm đau, hạ sốt. Không dùng thuốc chứa thành phần aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ trường hợp sốt xuất huyết. Nếu bị sốt xuất huyết, dùng aspirin sẽ gây ngưng tập kết tiểu cầu, gây xuất huyết.

– Theo dõi biểu hiện yếu cơ, liệt cơ đề phòng biến chứng Guillain-Barre.

6. Cách phòng chống Zika

– Hiện nay chưa có vaccine phòng virus Zika hay thuốc đặc hiệu để trị bệnh.

– Biện pháp bảo vệ tốt nhất cho bản thân bạn và gia đình là đề phòng muỗi đốt. Người ở trong vùng có dịch có thể áp dụng các biện pháp như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng thuốc đuổi muỗi, mắc mùng/màn khi ngủ, tích cực diệt muỗi (giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, loại bỏ ao tù, nước đọng, phát quang bụi rậm, đậy kín các chum, bể, thả cá vào bể diệt loăng quăng, phun thuốc diệt muỗi định kỳ…)

– Phụ nữ đang có thai, có ý định mang thai hoặc có nguy cơ mang thai nên hạn chế hoặc cân nhắc cẩn thận nếu đi du lịch tới vùng có dịch.

– Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, đặc biệt ở vùng có dịch hoặc khi quan hệ tình dục với người nhiễm/nghi nhiễm Zika.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *