Cứ 4 người Việt trưởng thành có 1 người mang bệnh được ví như “kẻ giết người thầm lặng”

cao huyet ap ke giet nguoi tham lang
Cao huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng"

Theo thống kê tại Việt Nam có 25,1 % dân số tuổi từ 25 trở lên bị bệnh lý cao huyết áp, tương đương với tỉ lệ cứ 4 người trưởng thành có 1 người cao huyết áp – Một bệnh được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết.

cao huyet ap ke giet nguoi tham lang
Cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”

“Kẻ giết người thầm lặng”

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho hay, tỉ lệ đột quỵ không ngừng gia tăng ảnh hưởng nhiều từ các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh lý tăng huyết áp. Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng gì. Đa số họ không biết mình có bệnh đến khi có triệu chứng trên lâm sàng đã có biến chứng, ví dụ như khó thở do suy tim, đau ngực do suy vành hoặc tê biến nửa người do tai biến.

“Đây là biến chứng trầm trọng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuốc sống, tuổi thọ, kinh tế gia đình mà rộng hơn ảnh hưởng đến cả kinh tế xã hội. Điều này cảnh báo cho bệnh nhân thấy cần phải quan tâm hơn đến huyết áp của mình để tránh cơn đột quỵ”- GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ cũng gặp nhiều trường hợp bỏ qua giai đoạn “cửa sổ vàng” trong đưa bệnh nhân đến viện khi bị đột quỵ. Nhiều người bị tai biến nhưng theo quan niệm dân gian gọi là trúng gió và vì nghĩ là trúng gió nên thường người nhà để bệnh nhân ở nhà cạo gió, bôi dầu cao mà bỏ qua thời gian vàng đưa bệnh nhân đến viện sớm nhất.

“Cửa sổ vàng” đối với các bệnh nhân đột quỵ là trong khoảng thời gian từ 3 – 6 giờ sau khi xảy tai biến. Nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm hoàn toàn có thế xử lý tốt nhất cho bệnh nhân.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Phòng ngừa đột quỵ ngay từ sớm là cách tốt nhất để hạn chế những hậu quả nguy hiểm của bệnh. Dưới đây là những cách giúp bạn chủ động phòng ngừa đột quỵ:

1. Hạ huyết áp

  • Mục tiêu: Huyết áp lý tưởng là dưới 135/85 mmHg
  • Thực hiện: Bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, pho mát và kem; nên ăn từ 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2 – 3 phần cá một tuần và tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt cũng như sữa ít chất béo. Nếu cần, dùng thuốc trị tăng huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Giảm cân

  • Mục tiêu: Chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng là 25 hoặc thấp hơn
  • Thực hiện: Không ăn quá 1.500 – 2.000 calorie mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI của bạn). Tăng vận động thể chất như đi bộ, chơi golf hoặc tennis đều đặn.

3. Tập thể dục nhiều hơn

  • Mục tiêu: Tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày/tuần
  • Thực hiện: Đi dạo quanh khu phố sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy. Nếu bạn không có 30 phút liên tiếp để tập thể dục, hãy chia nhỏ ra thành 10 – 15 phút/lần và 2 – 3 lần/ngày.

4. Hạn chế uống bia, rượu

  • Mục tiêu: Không uống rượu hoặc uống một cách vừa phải
  • Thực hiện: Mỗi ngày, không uống nhiều hơn một ly rượu và nên uống rượu vang đỏ vì nó chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não.

5. Kiểm soát bệnh đái tháo đường

  • Mục tiêu: Giữ lượng đường huyết ổn định
  • Thực hiện: Theo dõi đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ. Áp dụng chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc để giữ đường huyết ở phạm vi cho phép.

6. Bỏ thuốc lá

  • Mục tiêu: Bỏ thuốc lá
  • Thực hiện: Nếu khó từ bỏ thuốc lá, bạn hãy nhờ bác sĩ tư vấn để chọn ra cách thích hợp nhất với mình. Sử dụng các sản phẩm giúp cai thuốc lá như viên ngậm nicotine, miếng dán…

Khi nào đến bệnh viện ngay?

Gọi cấp cứu 115 ngay để được chăm sóc y tế khi bạn thấy có những dấu hiệu đột quỵ. Để dễ nhớ các dấu hiệu này, bạn có thể nhớ từ FAST. Đây là từ viết tắt của:

  • Khuôn mặt (Face): Yêu cầu người bệnh cười để xem một bên mặt có bị xệ xuống không?
  • Cánh tay (Arm): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay để xem một cánh tay có bị rơi xuống không? Hay cánh tay không thể giơ lên được?
  • Giọng nói (Speech): Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Bạn kiểm tra xem người đó có nói được không hay chỉ ú ớ, nói ngọng.
  • Thời gian (Time): Nếu bạn quan sát thấy bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây thì hãy gọi 115 ngay lập tức. Cơn đột quỵ càng lâu sẽ càng khó điều trị, khả năng tổn thương não và khuyết tật càng lớn.

Nguồn: TH

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *