Dự phòng cơn đau tim, đột quỵ nhờ… nắm tay

phát hiện sớm đột quỵ
phát hiện sớm đột quỵ

Một nghiên cứu lớn đã công bố trong tạp chí The Lancet (một tạp chí y khoa nổi tiếng có trụ sở tại London, New York và Bắc Kinh) cho biết, khi lực cầm nắm của tay giảm sẽ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong do tim mạch.

phát hiện sớm đột quỵ
Lực cầm nắm của tay giảm sẽ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.

Sức mạnh cơ bắp có thể là dấu hiệu tốt cho sự sống còn

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 139.691 người, tuổi từ 35-70, tại 17 quốc gia có thu nhập cao, trung bình, thấp và thu thập dữ liệu về chiều cao, cân nặng, huyết áp, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống, các yếu tố hành vi và sức khỏe khác.

Sau khi hiệu chỉnh tuổi và chiều cao cho kết quả lực cầm nắm của nam giới trung bình dao động từ khoảng 67-84 pounds (30-38kg); đối với phụ nữ, nó dao động 54-62 pounds (24,5-28kg). Trong 4 năm theo dõi có 3.379 người chết. Sau khi kiểm soát các biến số khác, các nhà khoa học tính toán rằng cứ giảm 11 pound (5kg) sức mạnh cầm nắm của tay sẽ liên quan với gia tăng nguy cơ 17% tử vong do bệnh tim mạch, tăng nguy cơ 7% cơn đau tim và 9% tăng nguy cơ đột quỵ.

Lực cầm nắm của tay giảm sẽ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ

Mối liên quan giữa sức mạnh cầm nắm và tử vong hoặc bệnh tim mạch vẫn chặt chẽ ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu đã hiệu chỉnh các yếu tố nguy cơ góp phần gây bệnh tim hoặc tử vong, như tuổi tác, hút thuốc lá, tập thể dục và các yếu tố nguy cơ khác. Điều thú vị là, sức mạnh cầm nắm là một yếu tố dự báo tốt hơn về tử vong hoặc bệnh tim mạch so với dự báo của huyết áp.

TS. Darryl Leong từ Viện Nghiên cứu sức khỏe dân số tại Khoa Khoa học sức khỏe Hamilton và Đại học McMaster ở Canada kết luận: ‘Sức mạnh cầm nắm có thể là một thử nghiệm đơn giản và rẻ tiền để đánh giá nguy cơ của một cá nhân liên quan với tử vong và bệnh tim mạch’.

Sức mạnh cầm nắm – Một thước đo của tuổi sinh học

Tuổi của một cá nhân tính theo năm (tuổi thời gian) có thể khá khác với độ tuổi sinh học của cá nhân đó. Mặc dù không có định nghĩa chính xác cho tuổi sinh học, nhưng tuổi sinh học thường phản ánh được tình trạng cơ thể đang hoạt động tốt hơn hoặc tồi tệ hơn so với tuổi tính theo thời gian.

Các yếu tố chính ảnh hưởng đến tuổi sinh học bao gồm thể lực tổng thể, các điều kiện y tế nhất định và sức mạnh cơ bắp. Nhà nghiên cứu Avan Aihie Sayer và Thomas Kirkwood thuộc Đại học Southampton và Đại học Newcastle, Vương quốc Anh cho rằng: ‘Sức mạnh cầm nắm có thể đóng vai như một dấu ấn sinh học phản ánh sự lão hóa qua quá trình sống’.

Trong nghiên cứu trên, một phát hiện thú vị là sức nắm tay yếu không có liên quan với tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường týp 2, ung thư hoặc bệnh mạn tính khác. Vì vậy, tại sao sức nắm tay yếu lại liên quan với nguy cơ tử vong? Các nhà nghiên cứu cho rằng sức mạnh cơ bắp yếu chỉ ra nhiều khả năng một người sẽ chết sớm hơn nếu người đó mắc phải các bệnh mạn tính, so với những người có sức mạnh cơ bắp mạnh hơn. Nói cách khác, sức mạnh cơ bắp có thể là tốt cho sự sống còn.

Cách nào để có cơ bắp khỏe mạnh?

Luyện tập có kháng lực: Để xây dựng sức mạnh cơ bắp, cần tập luyện có kháng lực (tập tạ, nâng vật nặng, kéo các dụng cụ có kháng lực…) hai hoặc ba lần mỗi tuần. Hãy cho cơ bắp của bạn nghỉ một hoặc hai ngày ở giữa các đợt tập luyện.

Nếu không có điều kiện tập luyện quy mô, chúng ta cần tận dụng lợi thế của các hoạt động hàng ngày để làm mạnh cơ bắp của bạn. Ví dụ: Nâng một hộp sữa một vài lần trước khi bạn đặt nó trở lại trong tủ lạnh để xây dựng cơ bắp cánh tay của bạn; đi cầu thang bộ bất cứ khi nào có thể, điều này sẽ xây dựng các cơ bắp ở chân của bạn, hông, mông và bụng.

Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ là rất quan trọng cho việc phục hồi cơ bắp và hồi phục các mô cơ thể. Ngủ 7-8 giờ mỗi đêm, tối thiểu phải đủ 6 giờ. Điều đó sẽ cho đủ thời gian để cơ thể của bạn hồi phục các mô cơ và bổ sung năng lượng dự trữ của cơ bắp.

Cuối cùng, cơ bắp của bạn cần chất dinh dưỡng tốt để trở nên mạnh hơn. Bạn cần phải bổ sung đủ protein hoặc thịt, đậu, các loại hạt và cá có thể cung cấp nhiều protein tốt. Ăn nhiều hơn khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày.

TS.BS. Lê Thanh Hải (nguồn: Suckhoedoisong.vn)

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *