Khàn tiếng (khàn giọng) là sự thay đổi bất thường về cao độ, âm lượng của giọng nói. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị khàn tiếng, có những nguyên nhân không nghiêm trọng, nhưng đôi khi hiện tượng khàn tiếng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một chứng bệnh nào đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như polyp thanh quản, các vấn đề về tuyến giáp hay thậm chí là ung thư, đột quỵ…
Tình trạng khàn tiếng có thể là do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra:
1. Viêm thanh quản
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng khàn tiếng và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như cảm lạnh thông thường hoặc lạm dụng giọng nói như nói/hát quá to, quá nhiều.
Những công việc đòi hỏi phải nói nhiều, nói lớn như giáo viên, huấn luyện viên thể thao, ca sĩ, hoạt náo viên, tư vấn viên, nhân viên bán hàng… có thể khiến giọng nói bị khàn. Nếu bạn phải làm các công việc này, hãy học một vài khóa học giao tiếp hiệu quả để dây thanh quản không bị quá tải sau một khoảng thời gian nói liên tục.
2. Viêm họng, viêm amidan
Đây là hai nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị khàn giọng.
3. U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm
U nang dây thanh âm về cơ bản là có khối u trên dây thanh âm khiến bạn bị khàn giọng khi nói. Nguyên nhân gây ra các tình trạng này thường là do lạm dụng giọng nói. Những người thường xuyên lạm dụng giọng nói có nguy cơ bị polyp dây thanh âm cao hơn những đối tượng khác.
4. Dị ứng
Tình trạng dị ứng theo mùa gây chảy nước mũi và ngứa mắt có thể khiến bạn bị khàn tiếng.
5. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên đến dây thanh âm. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến khiến bạn bị khàn tiếng. Đáng tiếc là nhiều người không biết về sự hiện diện của tình trạng trào ngược này vì đôi khi bạn bị trào ngược nhưng không liên quan đến chứng ợ nóng nên khó nhận biết. Khàn tiếng do trào ngược dạ dày thực quản thường có xu hướng tồi tệ hơn vào buổi sáng.
6. Tình trạng tuyến giáp
Suy giáp không được điều trị có thể gây khàn tiếng.
7. Hút thuốc
Không chỉ người hút thuốc mà người tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động cũng có thể bị khàn giọng.
8. Hít phải dị vật, tiếp xúc với các chất kích thích khác
Việc hít phải dị vật hay tiếp xúc với các chất kích thích có trong không khí hay các hóa chất tẩy rửa sử dụng trong gia đình cũng có thể là tác nhân gây ra tình trạng khàn tiếng.
9. Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài
Bệnh nhân hen suyễn hoặc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài cho có thể khiến giọng nói bị khàn.
10. Ung thư
Những người bị ung thư, chẳng hạn như ung thư thanh quản, cổ họng, phổi, tuyến giáp và u lympho thường có triệu chứng là khàn giọng. Đôi khi khàn tiếng là triệu chứng cảnh báo đầu tiên của những căn bệnh này. Ung thư di căn từ vú, phổi hoặc các vùng khác của cơ thể lan đến vùng giữa phổi có thể chèn lên dây thần kinh thanh quản, gây khàn tiếng.
11. Các vấn đề liên quan đến thần kinh
Tình trạng đột quỵ, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng có thể gây ảnh hưởng lên dây thần kinh thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng.
12. Chấn thương
Chấn thương liên quan đến vùng cổ họng, ví dụ trong một tai nạn giao thông, tai nạn lao động, phẫu thuật đặt nội khí quản hay nội soi phế quản… có thể ảnh hưởng đến dây thanh âm, gây khàn tiếng.
13. Chứng khó phát âm do co thắt (spasmodic dysphonia)
Chứng khó phát âm do co thắt là một bất thường thần kinh gây ảnh hưởng đến các khối cơ ở vùng thanh quản, gây co thắt cơ khiến giọng bị vỡ, giọng nặng hay gằn. Nguyên nhân mắc chứng này là do những rối loạn tại vùng hạch nền gây nên bất thường về tâm lý.
14. Liệt dây thần kinh thanh quản
Các dây thần kinh dẫn đến thanh quản có thể bị tổn thương bởi những ca phẫu thuật như phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật vùng đầu, cổ.
Lời kết
Chúng ta thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khàn tiếng, trong đó có cả những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm. Do đó, nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách.